Khoáng sản

Quản lý khoáng sản làm VLXD thông thường tại Sơn La: Nhiều kiến nghị về rút ngắn trình tự, thủ tục cấp phép

Nguyễn Nga 23/08/2024 - 18:13

(TN&MT) - Ngày 23/8, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở TN&MT, Sở Xây dựng tổ chức Hội thảo tư vấn sản xuất và kinh doanh VLXD thông thường; thực trạng và giải pháp.

Sơn La là địa phương có tài nguyên khoáng sản đa dạng, bao gồm đá vôi, đất san lấp, đá làm cát nhân tạo và cát lòng sông.

Hiện nay, toàn tỉnh có 162 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường đã được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng giai đoạn đến năm 2020, định hướng 2030 tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Gồm: 53 mỏ đá làm VLXD thông thường; 13 mỏ đá làm cát nhân tạo; 53 mỏ cát tự nhiên; 12 mỏ đất sét làm gạch ngói và 31 mỏ đất san lấp.

a1(4).jpg
Toàn cảnh Hội thảo.

Những năm qua, công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh quan tâm chú trọng, đảm bảo đúng quy trình, minh bạch, công bằng. Đặc biệt, đã đẩy mạnh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, trong đó, hiện đang đẩy nhanh tiến độ đấu giá, cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, phục vụ tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Đồng thời, chủ động phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án liên quan đến hoạt động khoáng sản như: Bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Lũy kế đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh đã cấp phép khai thác 46/162 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường và phân tán nhỏ lẻ; cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng 65/162 mỏ khoáng sản.

Mục tiêu trong năm 2024, đấu giá 100% các mỏ đất san lấp phục vụ nhu cầu đầu tư xây dựng tại các huyện, thành phố. Đến năm 2025, 12/12 huyện, thành phố có ít nhất từ 1 mỏ đá làm VLXD thông thường trở lên được cấp phép khai thác.

Tại Hội thảo, đại diện các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã tham luận về công tác cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường; thực trạng và giải pháp công tác quản lý quy hoạch, phát triển VLXD thông thường;

Tình hình chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư các dự án sản xuất VLXD thông thường; thực trạng, giải pháp trong công tác quy hoạch, quản lý các cơ sở khai thác, sản xuất VLXD thông thường trên địa bàn một số huyện… Đại diện một số doanh nghiệp đã tham luận về công tác sản xuất, kinh doanh của đơn vị và kiến nghị một số vấn đề trong thời gian tới.

Theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý khoáng sản làm VLXD thông thường còn một số tồn tại, bất cập cần sớm được tháo gỡ.

img_7724.jpg
Sở TN&MT Sơn La đẩy mạnh tham mưu UBND tỉnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Hiện nay, quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản còn có sự chồng chéo, chưa đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành khác, nhất là quy hoạch lâm nghiệp, hiện trạng diễn biến rừng tự nhiên... Dẫn đến có 32 mỏ khoáng sản đã có trong quy hoạch nhưng chưa đủ điều kiện đưa vào đấu giá do vẫn nằm trong khu vực vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản hoặc có tiêu chí thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản quy định tại Điều 28 Luật Khoáng sản 2010.

Đặc biệt, quy trình thủ tục từ chủ trương đầu tư đến cấp phép khai thác liên quan đến nhiều cơ quan đơn vị (6 bước chính, 3 Sở), thủ tục còn kéo dài, cụ thể: Sở KH&ĐT liên quan đến cấp chủ trương đầu tư; Sở Xây dựng liên quan đến công tác quy hoạch, thiết kế cơ sở; Sở TN&MT thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép thăm dò, khai thác….

Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các ngành thực hiện quy trình đấu giá hiệu quả chưa được cao. Một số mỏ được đưa ra đấu giá nhưng không có tổ chức tham gia, đấu giá không thành mặc dù trên địa bàn huyện thiếu VLXD thông thường.

Còn theo đại diện Sở Xây dựng, sau khi quy hoạch tỉnh được duyệt, thực tế phát sinh nhu cầu khai thác một số điểm mỏ khoáng sản VLXD thông thường để triển khai các dự án trọng điểm, song các điểm mỏ này chưa được đề cập trong quy hoạch tỉnh nên các địa phương không đủ cơ sở để tham mưu cấp phép khai thác.

img_7634.jpg
Đại diện các doanh nghiệp kiến nghị cần cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường.

Bà Hà Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT thẳng thắn nhận định: Quy trình thẩm định cấp mới cũng như điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án sản xuất VLXD thông thường gặp rất nhiều vướng mắc, đa số do không thực hiện được thủ tục thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, chậm thực hiện thủ tục đất đai.

Sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án, một số Nhà đầu tư chậm đưa dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, khoáng sản, đất đai….

Công ty Cổ phần Quỳnh Ngọc được UBND tỉnh Sơn La cấp phép hoạt động khai thác 9 điểm mỏ cát trên sông Mã làm VLXD thông thường bằng phương pháp lộ thiên trong thời hạn 10 năm.

Song, theo đại diện doanh nghiệp, đơn vị phải hoàn thiện nhiều thủ tục pháp lý như: Thuê mặt nước, thuê đất điểm mỏ, thuê đất bến bãi, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và nộp nhiều các loại thuế, phí. Quá trình này thường mất nhiều thời gian, chi phí cao, gây áp lực cho doanh nghiệp.

Do đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị cần cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến khai thác, kinh doanh cát. Rà soát, phân loại trong cấp phép khai thác khoáng sản cho phù hợp với từng loại khoáng sản, cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cần được rút gọn các bước hơn so với cấp phép khai thác các loại khoáng sản quý hiếm.

Nguyễn Nga