Khoáng sản

Sơn La: Kiểm tra việc di chuyển 8 hộ dân nguy cơ sạt lở tại Suối Bàng

Nguyễn Nga 23/08/2024 - 17:51

(TN&MT) – Đoàn công tác liên ngành của UBND tỉnh Sơn La do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu làm trưởng đoàn vừa kiểm tra công tác khắc phục, xử lý môi trường và di chuyển các hộ dân có nguy cơ sạt lở tại xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ.

Đoàn công tác đã kiểm tra thực địa khu vực 8 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao; kiểm tra thực địa trạm cân, hệ thống camera và tiến độ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động khoáng sản tại mỏ than Suối Bàng, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ.

a1(1).jpg
Đoàn công tác kiểm tra khu vực 8 hộ dân bản Nà Lồi, xã Suối Bàng thuộc diện di dời.

Tập trung cao di chuyển dân cư vùng thiên tai

Từ ngày 23-25/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ có 2 nhà sập đổ hoàn toàn, 4 nhà bị sạt lở móng; 21ha ruộng nước, 75ha ngô bị ảnh hưởng... Ngoài ra, một số hộ dân bị lũ cuốn trôi các vật dụng gia đình như máy xát cỏ, xát ngô, máy bơm nước, xoong, nồi.

Sau khi nước rút, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã khơi thông dòng chảy với diện tích bị ngập úng, dựng lại những khóm lúa, té nước rửa bùn để tạo điều kiện cho cây lúa phục hồi lại. Rà soát, lựa chọn địa điểm để di chuyển làm nhà cho 3 hộ, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an trị giá 80 triệu đồng/nhà. Đến ngày 16/8, đã bàn giao đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, liên quan đến phản ánh có 8 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác của mỏ than Suối Bàng, ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết: Ngay sau khi nắm bắt thông tin, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác kiểm tra thực địa, xác định khu vực này không nằm trong vùng ảnh hưởng từ dự án khai thác than, khoảng cách từ khu vực mỏ đến 8 hộ dân khoảng 1,2km.

Song, do mưa lớn kéo dài, khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt trượt, cộng thêm các hộ chủ yếu ở rời rạc, không tập trung, khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm… Do đó, UBND huyện đã rà soát, xây dựng phương án di dời, tái định cư cho 8 hộ dân, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, vừa đảm bảo quy hoạch khu dân cư tập trung, thuận lợi đầu tư cơ sở hạ tầng.

Ngày 16/7/2024, UBND huyện đã ban hành Quyết định 950/QĐ-UBND, phê duyệt danh sách 8 hộ dân bản Nà Lồi, với 29 nhân khẩu thuộc diện di chuyển tái định cư do có nguy cơ cao bị sạt lở ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ năm 2024; theo hình thức xen ghép ngay tại bản Nà Lồi, xã Suối Bàng.

Để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, UBND huyện đã kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp để thực hiện san ủi nền nhà, hỗ trợ kinh phí di chuyển cho người dân là 40 triệu đồng/hộ.

Hỗ trợ người dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ cho người dân theo đúng quy định. Đồng thời, huy động nhân dân trong bản ủng hộ ngày công vận chuyển gỗ nhà, các vật dụng và dựng nhà cùng các hộ.

Đến nay, có 5 hộ, 19 nhân khẩu đã di chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống; trong đó, có 1 hộ thuộc hộ nghèo đã được Bộ Công an hỗ trợ làm nhà mới và bàn giao đưa vào sử dụng ngày 16/8.

Hiện còn 3 hộ, 10 nhân khẩu, đã có nền ở tại khu ở mới do các hộ tự lựa chọn. Các hộ cũng đang thực hiện tháo dỡ nhà cửa, song, do nhà sàn qua nhiều năm có hư hỏng, các hộ đang tìm kiếm thêm nguyên liệu để làm nhà nơi ở mới.

Trước mắt, UBND xã đã bố trí, sửa sang chỗ ở tạm tại nhà Văn hóa cũ của bản cho người dân, tránh thiệt hại về người cũng như tài sản của các hộ khi có mưa, lũ xảy ra. Dự kiến, các hộ sẽ hoàn thành di chuyển trong tháng 8/2024.

a3(1).jpg
Kiểm tra công tác khắc phục, xử lý môi trường tại mỏ than Suối Bàng.

Tiếp tục siết chặt quản lý nhà nước tại mỏ than suối Bàng

Tại cuộc làm việc, Đoàn công tác đã nghe báo cáo của các sở ngành, UBND huyện, xã về công tác di chuyển các hộ dân vùng nguy cơ thiên tai; tình hình khắc phục các tồn tại, hạn chế tại mỏ than Suối Bàng.

Theo ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những tồn tại hạn chế tại mỏ than Suối Bàng chủ yếu liên quan đến 2 đơn vị khai thác cũ.

Hiện nay, tỉnh đã yêu cầu 2 chủ đầu tư mới tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trên về năng lực tài chính (tiền chậm nộp, thuế phí tài nguyên…); khôi phục môi trường tại khu vực khai thác, bãi đổ thải; tìm giải pháp giải quyết số lượng than tồn và xỉ than ứ đọng, không để mưa lũ làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; có giải pháp đảm bảo về môi trường khi dự án đi vào hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản, UBND tỉnh đã kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt trạm cân, camera giám sát, đảm bảo toàn bộ khoáng sản vận chuyển ra khỏi địa bàn phải được quét qua camera và hệ thống trạm cân; giao cơ quan thuế tăng cường quản lý, kê khai nộp thuế đầy đủ với khoáng sản được vận chuyển.

“Sơn La rất quyết liệt trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, trên quan điểm tuân thủ nghiêm các quy định, không có vùng cấm. Trường hợp vượt quá thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, sẽ chuyển sang cơ quan pháp luật khác khi đủ điều kiện” – ông Đặng Ngọc Hậu nhấn mạnh.

a2(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Hậu giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, huyện Vân Hồ trong thời gian tới.

Thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Vân Hồ tiếp tục tập trung cao cho công tác di chuyển các hộ còn lại, đảm bảo an toàn, sớm ổn định đời sống cho nhân dân. Làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ về các chủ trương, chính sách hỗ trợ. Tăng cường nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân để tháo gỡ, có giải pháp hỗ trợ kịp thời.

Để đánh giá có hay không việc triển khai hoạt động khoáng sản gây tác động đến người dân khu vực xung quanh, giao Sở TN&MT nghiên cứu, đề xuất đơn vị tư vấn độc lập khảo sát, đánh giá, công bố công khai kết quả điều tra. Từ đó, có cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người dân (trường hợp nếu xác định có ảnh hưởng). Tiếp tục giám sát, đôn đốc 2 doanh nghiệp khắc phục những tồn tại, hạn chế còn lại.

Cục thuế tỉnh tập trung cao cho công tác kê khai, nộp thuế, có cơ chế giám sát việc vận chuyển khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu trốn thuế, không để thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Yêu cầu 2 đơn vị có hoạt động khoáng sản tại mỏ than Suối Bàng tiếp tục chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, đặc biệt liên quan đến hệ thống trạm cân, camera giám sát. Tiếp tục khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra của đơn vị cũ, sớm hoàn thành các thủ tục để đi vào hoạt động.

Tiếp tục thực hiện phương án bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM đã được phê duyệt. Khi được cấp phép hoạt động, phải thực hiện song hành hoạt động khai thác gắn với công tác bảo vệ môi trường, chú trọng trồng cây xanh tạo cảnh quan khu vực vùng dự án.

Nguyễn Nga