Triển khai Luật Đất đai 2024

Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công

Trường Giang 23/08/2024 - 13:54

Sáng ngày 23/8, Hội Luật Gia Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp bất thường lần thứ năm thông qua ngày 18/1/2024. Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, để nâng cao hiệu quả thi hành và tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luật Đất đai trong thời gian tới, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất cao trong nhận thức, hiểu đầy đủ và đúng về Luật Đất đai sửa đổi.

dsc_0050.jpg
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội thảo

Về tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 dự kiến có 16 văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, để nâng cao hiệu quả thi hành và tạo sự đồng thuận trong xã hội về triển khai thực hiện Luật Đất đai trong thời gian tới đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất cao trong nhận thức, hiểu đầy đủ và đúng về Luật Đất đai sửa đổi. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đây cũng là yêu cầu mà Nghị quyết số 18 nêu ra.

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, mục đích của Hội thảo nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai; góp phần nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân cũng như góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Đất đai 2024. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình phối hợp số 03, ngày 5/10/2018 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Luật gia Việt Nam về phối hợp công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Hội thảo sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất công trong Luật đất đai 2024 và các văn bản pháp luật liên quan. Qua đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công; làm rõ những vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp tháo gỡ góp phần giúp các cơ quan có thẩm quyền có đầy đủ cơ sở để tham khảo, thực thi chính sách, pháp luật.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Công Phàn – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam chia sẻ, qua các báo cáo, các nghiên cứu liên quan cho thấy công tác quản lý, sử dụng đất từng bước được quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai.

dsc_0054.jpg
TS. Trần Công Phàn – Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam phát biểu

Bên cạnh đó, công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được các địa phương triển khai thực hiện cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, cơ bản bảo đảm đúng các quy định của pháp luật về đất đai.

Nhiều địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều quỹ đất đã giao, cho doanh nghiệp thuê nhưng không thực hiện gây lãng phí hoặc vi phạm trong sử dụng đất đai.

Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy rằng, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất một số nơi chưa nghiêm. Hiệu quả khai thác, sử dụng đất một số chỗ chưa cao, còn nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế, đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội. Các lãng phí, thất thoát này, không chỉ nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

dsc_0063.jpg
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai phát biểu tại Hội thảo

Việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai có nơi chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Chưa có cơ chế hữu hiệu để xử lý các trường hợp này. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi; tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn nhiều.

Theo TS. Trần Công Phàn, việc này có nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm cả nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan. Cơ quan có thẩm quyền quản lý có chỗ còn chưa làm hết trách nhiệm, có sự buông lỏng trong quản lý, thực hiện không đúng các quy định pháp luật khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không thông qua đấu thầu, đấu giá); việc phát hiện và xử lý các sai phạm chưa nghiêm.

dsc_0065.jpg
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm Luật Đất đai 2024 là đạo luật quan trọng, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, với nhiều sửa đổi, bổ sung mới trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói riêng chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này.

Bên cạnh đó việc triển khai thực thi Luật Đất đai 2024 hiệu quả sẽ góp phần kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung, hoàn thiện các nhằm chống lãng phí và vi phạm trng sử dụng đất công.

dsc_0059.jpg

Nổi bật, Luật quy định, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được chuyển sang thuê đất trả tiền hàng năm. Đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Theo ông Bình, thực hiện quy định này nhiều đơn vị sẽ sử dụng những diện tích chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả để liên doanh, liên kết để sử dụng hiệu quả.

Về thu hồi các dự án chậm tiến độ, ông Bình cho rằng, thi hành Luật Đất đai 2013, vướng nhất trong việc này là vấn đề xử lý tài sản trên đất, do đó, Luật Đất đai 2024 đã sửa đổi, bổ sung cụ thể các bước xử lý tài sản trên đất, trình tự, thời gian khi thu hồi đất…

Bên cạnh đó, để quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai, Luật cũng quy định tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, trừ trường hợp quy định tại Điều 181 của Luật này phải rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất. Nội dung phương án sử dụng đất phải xác định rõ diện tích, ranh giới sử dụng, diện tích từng loại đất được giữ lại sử dụng, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất bàn giao cho địa phương.

dsc_0052.jpg
Quang cảnh hội thảo

Đồng thời, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất theo phương án sử dụng đất được phê duyệt; thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, giao khoán, cho thuê, cho mượn trái pháp luật, bị lấn, bị chiếm để giao, cho thuê đối với tổ chức, cá nhân. Việc giao đất, cho thuê đất phải ưu tiên cá nhân là người dân tộc thiểu số không có đất hoặc thiếu đất sản xuất ở địa phương…

Trường Giang