Khoáng sản

Lạng Sơn kiên quyết xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản

Hoàng Nghĩa (thực hiện) 22/08/2024 - 12:18

(TN&MT) - Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tỉnh Lạng Sơn luôn đặt mục tiêu: Khoáng sản là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia, cần được quy hoạch, quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn.

11a.jpg
Öng Nguyễn Hữu Trực -
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn.

PV: Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai công tác cấp phép hoạt động khoáng sản như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trực: Lạng Sơn là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, chủ yếu khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường như đá vôi, đá xây dựng, sét gạch ngói, đất san lấp,... Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện; phối hợp với Sở Xây dựng rà soát Phương án thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm VLXD thông thường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Từ năm 2023 đến nay, Sở đã thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng 4 mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường; cấp 1 giấy phép thăm dò, điều chỉnh 2 giấy phép khai thác; ban hành 2 quyết định đóng cửa mỏ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh còn 57 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực (gồm 6 giấy phép khai thác do Bộ TN&MT cấp, 51 giấy phép khai thác do UBND tỉnh cấp); trong đó, có 47 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

PV: Khai thác khoáng sản hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu đã được Lạng Sơn đề ra. Xin ông cho biết, nhiệm vụ này đã và đang được tỉnh thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Trực: Chúng tôi xác định, để đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường thì nhận thức, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân là một trong những yếu tố then chốt. Do đó, Sở đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, thường xuyên triển khai các văn bản mới đến các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên đôn đốc, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường. Đối với các giấy phép khai thác hết hiệu lực, chúng tôi đã đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.

Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản, tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về đất đai, khoáng sản, nước, bảo vệ môi trường,... Từ năm 2023 đến nay đã thanh, kiểm tra 23 doanh nghiệp; phối hợp với Cục Khoáng sản Việt Nam kiểm tra 5 mỏ khoáng sản do Bộ TN&MT cấp phép; xử phạt vi phạm hành chính 8 tổ chức với số tiền 745 triệu đồng.

Nói như vậy để thấy rằng, việc quản lý khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường đang được tỉnh Lạng Sơn siết chặt, nhằm đảm bảo khoáng sản được khai thác một cách hiệu quả.

11b.jpg
Việc quản lý khoáng sản đang được tỉnh Lạng Sơn siết chặt, nhằm đảm bảo khoáng sản được khai thác hiệu quả, gắn khai thác với BVMT.

PV: Thông qua các giải pháp trên, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn?

Ông Nguyễn Hữu Trực: Có thể nói, với đồng bộ các giải pháp được thực hiện, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản những năm gần đây đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: các đơn vị hoạt động khoáng sản đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự án cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; đã quan tâm đến kỹ thuật khai thác, quy định về bảo vệ, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản.

Qua kết quả quan trắc môi trường các cơ sở cho thấy, hiện trạng môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn tương đối tốt, chưa xảy ra hiện tượng suy thoái, sự cố môi trường. Vấn đề ô nhiễm mới chỉ xảy ra cục bộ tại một số khu vực khai thác đá vôi do ảnh hưởng bụi, tiếng ồn, độ rung.

Tuy nhiên, hiện nay đa số các tổ chức hoạt động khoáng sản còn hạn chế về năng lực tài chính, thiết bị kỹ thuật, kinh nghiệm; công nghệ khai thác chủ yếu là thủ công kết hợp cơ giới, thiếu cán bộ trình độ chuyên môn sâu về khai thác mỏ nên còn hiện tượng khai thác chưa đúng thiết kế mỏ được phê duyệt; sản lượng khai thác, chế biến chưa cao...

PV: Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực khoáng sản, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Trực: Lạng Sơn sẽ tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản. Thường xuyên rà soát, thống kê các Giấy phép khai thác đã hết hiệu lực để yêu cầu tổ chức, cá nhân lập Đề án đóng cửa mỏ.

Song song với đó, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị hoạt động khoáng sản chấp hành nghiêm các quy định về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, an toàn lao động... Kiên quyết xử lý các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản có hành vi vi phạm.

Chúng tôi cũng đề nghị các UBND huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông và đất san lấp. Đồng thời nâng cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật về khoáng sản, môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Nghĩa (thực hiện)