Trong nước

Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

Khương Trung 20/08/2024 - 14:24

(TN&MT) - Đóng ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều thành viên Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi Luật phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm giảm thiểu tốn kém về kinh phí và áp dụng hiệu quả trong thực tế và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

Thực hiện Phiên họp thứ 36, sáng 20/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

202408200937392472_dsc_7163.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật sáng 20/8

Quan điểm của Đảng về ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu hội nhập, làm nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ cốt lõi của hệ, của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống; đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục bất cập, hạn chế của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.

Cho đến nay, Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

ctqh-man05-1724127221818.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày nêu rõ, trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo thể chế hóa chủ trương đổi mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Dự thảo Luật gồm 4 điều, sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có 6 chương và 66 điều (giảm 1 chương và giảm 5 điều so với Luật hiện hành).

Nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào các nhóm chính sách, như: bảo đảm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp...

Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật.

ctqh-man07-1724127005243.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 38-CT/TW để thể hiện trong dự thảo Luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi các quy định trong các Luật khác có liên quan; rà soát, đối chiếu dự thảo Luật với các luật, với các Luật vừa được Quốc hội thông qua hoặc các dự án Luật đang trình Quốc hội xem xét để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Về phạm vi sửa đổi, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật với 19 điều của 5 chương trên tổng số 71 điều được sửa đổi, bổ sung. Về cơ bản, các điều, khoản sửa đổi, bổ sung đã thể hiện đầy đủ nội dung của 6 nhóm chính sách; những nội dung cốt lõi của Luật hiện hành vẫn được giữ nguyên; không thay đổi phạm vi điều chỉnh so với Luật hiện hành.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sau 17 năm ban hành, cần nghiên cứu, rà soát để sửa đổi toàn diện Luật, bảo đảm phù hợp với quy mô nền kinh tế, tình hình thực tế, hệ thống pháp luật hiện hành và việc hội nhập sâu, tham gia nhiều FTA.

Sửa đổi Luật phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế

Tại Phiên thảo luận, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều khẳng định, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có đối phạm vi rộng, liên quan đến cấp độ quốc tế, quốc gia, địa phương, người dân và doanh nghiệp và toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực thi Luật còn một số bất cập nên cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt là khi sửa đổi Luật phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

202408200937392316_dsc_5532.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận vào 6 nhóm chính sách và 4 vấn đề chung do Chính phủ trình; 12 vấn đề cụ thể do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu trong Báo cáo thẩm tra. Bên cạnh đó, các thành viên Ủy ban cũng cho ý kiến về một số vấn đề chung, sự phù hợp của dự án Luật với chủ trương của Đảng, tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của dự án Luật với hệ thống pháp luật và báo cáo của Chính phủ; tính tương thích của các điều khoản trong Luật phải phù hợp với các cam kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên về các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật liên quan, đến các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, các nội dung sửa đổi của dự án Luật, tính khả thi thực tế và cụ thể của các điều khoản quy định, thi hành trong dự thảo luật…

Đề cập về về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia (Điều 8a), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là một nội dung mới, quan trọng được đưa vào dự án Luật. Theo Tờ trình của Chính phủ, báo cáo tổng kết thi hành Luật về tiêu chuẩn hóa quốc tế có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Còn tại Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2018, Tiểu ban tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp cũng đã khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể, đủ tầm chiến lược. Các Bộ, ngành hiện nay xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam theo kiểu thiếu đâu thì bù đó hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam. Do đó, dẫn đến tình trạng có một số Bộ đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch tiêu chuẩn Việt Nam hàng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam.

Với bất cập trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị làm rõ sự cần thiết ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và lý giải việc không ban hành chiến lược quy chuẩn là như thế nào. Bởi trong dự án Luật có xây dựng chiến lược về tiêu chuẩn hóa nhưng chiến lược về quy chuẩn thì không đặt ra.

Khẳng định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật phải góp phần nâng cao sức cạnh tranh, tham gia vào hội nhập kinh tế, tham gia vào các Hiệp định FTA.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phản ánh là một số tiêu chuẩn chuẩn kỹ thuật Việt Nam vẫn còn có những quy định thiếu thống nhất dẫn đến việc triển khai còn vướng mắc nhất định. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét bất cập này để có những sửa đổi kịp thời. Ngoài ra, khi việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cũng phải phù hợp và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc xây dựng tốn kém về kinh phí và không thể áp dụng hiệu quả. Vì nhiều hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác cũng phải tuân theo quy chuẩn, quy định của nước đó đề ra.

Hoàn thiện Luật góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng

202408200811466419_dsc_5337.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận

Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Để đảm bảo chất lượng dự án Luật trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của cơ quan thẩm tra; đồng thời lưu ý tập trung một số vấn đề:

Tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị 38 của Ban Bí thư về đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các cam kết quốc tế. Bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế dựa trên nền tảng kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và mô hình quản trị thông minh, phục vụ tốt cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất và đời sống…

Đánh giá đầy đủ tác động của việc thực hiện các cam kết quốc tế, cụ thể thêm các quy định để đáp ứng các cam kết quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quy định về nghĩa vụ minh bạch hóa trong các Hiệp định. Rà soát kỹ sự cần thiết, tính cụ thể, rõ ràng và sự phù hợp, thống nhất với các luật khác đối với các khái niệm giải thích từ ngữ bổ sung thêm cho với luật hiện hành. Nghiên cứu thêm về bảo vệ, bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật để quy định cho phù hợp và chặt chẽ…

Nghiên cứu, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung theo ý kiến của cơ quan thẩm tra về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia về việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Quy định đánh giá sự phù hợp, phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đảm bảo nguồn lực cho hoạt động, lĩnh vực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các nội dung khác nêu trong báo cáo thẩm tra và lưu ý tránh phát sinh chi phí, xung đột lợi ích, quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn.

Tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất trong nội tại của Luật và xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là bốn bộ luật và 98 luật có liên quan, trong đó có Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Khoa học công nghệ, Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước và các luật đang trình Quốc hội sửa đổi như Luật Điện lực, Luật Dược, Luật Phòng cháy, chữa cháy và Luật Phòng không nhân dân. Cụ thể hóa tối đa trong những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành để đảm bảo khả thi, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức thêm các hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Khương Trung