Môi trường

Thanh Hoá chuyển đổi xanh để thích ứng biến đổi khí hậu

Thanh Tâm 20/08/2024 - 11:14

(TN&MT) - Sau 11 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường với việc cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, kết quả bước đầu cho thấy công tác chủ động ứng phó với BĐKH đã có những chuyển biến tích cực.

Chủ động ứng phó

Thông qua việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tăng đáng kể trong thời gian qua, hiệu suất sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã được cải thiện, góp phần tích cực vào việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển xã hội ít carbon.

Nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cũng được coi là những ngành có bước tiến đáng ghi nhận trong việc chyển dịch xanh để thích ứng. Điển hình như: Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) cho các loại nông sản chủ lực (như rau, quả, chè, lúa), các quy trình tưới tiết kiệm nước cho lúa và các loại cây trồng cạn; Chương trình khí sinh học trong ngành chăn nuôi, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả năng lượng trong đánh bắt thủy sản…

anh-2-1-.jpg
Trồng cây măng tây xanh trên đất pha cát ở huyện Hoằng Hóa cho thu nhập ổn định

Tỉnh đã dành 1.100 ha đất cho sản xuất các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP); gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; bước đầu hình thành một số mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học và mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Thực hiện phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên và thích ứng với BĐKH làm căn cứ để lập quy hoạch phát triển; phương án quy hoạch không gian biển gắn với không gian phát triển trên đất liền.

Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.

Tỉnh đã tập trung tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với BĐKH; chú trọng phát triển và đa dạng hóa sinh kế thông qua các hoạt động như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thay đổi phạm vi và quy mô sản xuất, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật công nghệ…; chủ động phối hợp với các chương trình, dự án thí điểm mô hình sinh kế cộng đồng theo hướng carbon thấp, tiêu biểu như: phục hồi, chăm sóc và bảo vệ rừng; nông nghiệp xanh ít phát thải; liên kết trồng trọt, chăn nuôi, du lịch sinh thái; làng thông minh với khí hậu; làng sinh thái thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng; cộng đồng làng xã carbon thấp; sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề…

Triển khai các giải pháp cụ thể

Nhiều mô hình thích ứng với BĐKH đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Chuyển giao kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu đục quả đậu leo tại xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa; Xây dựng và chuyển giao mô hình trồng cà chua trái vụ trên đất chuyên màu tại xã Hoằng Hợp, huyện Hoằng Hóa; Nghiên cứu và chuyển giao mô hình sử dụng chế phẩm sinh học từ thảo mộc để xua đuổi côn trùng gây hại trên rau, sản xuất rau an toàn tại Thanh Hóa... Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn đã ứng dụng thành công công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho mía (theo công nghệ Israel) trên diện tích 650 ha, năng suất đạt từ 130 - 150 tấn/ha cao gấp 2 lần so với năng suất bình quân chung của vùng Lam Sơn và cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung cả tỉnh.

Phát huy trách nhiệm và huy động các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tích cực tham gia phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với BĐKH, từ năm 2012 đến nay, an ninh rừng luôn được giữ ổn định, theo hướng bền vững, không có tụ điểm, điểm nóng về khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ trái phép lâm sản, các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng cơ bản được kiểm soát và xử lý triệt để.

a3.jpg
Mô hình trồng nho trong nhà màng thích ứng với BĐKH ở xã Tế Lợi, huyện Nông Cống

Công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Tranh thủ được nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án về BĐKH để đầu tư trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển nhằm tạo ra vành đai xanh bảo vệ đê biển, các công trình dân sinh, đồng ruộng… hạn chế thấp nhất thiệt hại do BĐKH gây ra. Đến năm 2022, diện tích rừng ngập mặn toàn tỉnh là 873,55 ha, diện tích rừng ngập mặn đã góp phần trong việc phòng hộ, bảo vệ vùng bờ biển trước những BĐKH và thiên tai, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái.

UBND tỉnh đã chú trọng lồng ghép mục tiêu ứng phó với BĐKH, phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương; Chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, bão và những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Ngọc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Biển hải đảo, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT Thanh Hóa) cho biết: Định kỳ, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch và báo cáo thực hiện kế hoạch hàng năm, 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cơ sở; thực hiện kiểm toán năng lượng nhằm phát hiện và đề xuất các cơ hội tiết kiệm năng lượng. Khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh: Tổ chức Chương trình “Giờ Trái đất”; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Sau 11 năm triển khai Nghị quyết 24 bước đầu cho thấy công tác chủ động ứng phó với BĐKH đã có những chuyển biến tích cực.

Thanh Tâm