Hải Phòng: Thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ trồng sen
(TN&MT) - Từ bỏ nghề cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, anh Nguyễn Duy Thảo (huyện Kiến Thuỵ, Hải Phòng) đã thuê hàng chục ha ruộng sâu trũng, bỏ hoang để thực hiện mô hình trồng sen. Theo đó, mỗi năm mô hình của anh đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng và tạo được việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 25/4/2023 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Kiến Thuỵ về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, các địa phương trên địa bàn huyện đã và đang triển khai được 70 mô hình với tổng diện tích 467,48 ha, trong đó, khắc phục được 290,81ha ruộng bỏ hoang đưa vào sản xuất.
Trong số đó, mô hình trồng sen tại xã Hữu Bằng là một điểm sáng trong việc khắc phục diện tích đất sau trũng, bỏ hoang lâu ngày. Theo thống kê, xã Hữu Bằng hiện có 79,5ha trồng sen, với phần lớn là diện tích sản xuất của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sen Hữu Bằng.
Anh Nguyễn Duy Thảo – Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sen Hữu Bằng chia sẻ, năm 2021, anh đã từ bỏ nghề cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đi vận động người dân cho thuê 10 mẫu ruộng sâu trũng, bỏ hoang tại các xã: Hữu Bằng, Thuỵ Hương và Minh Tân thuộc huyện Kiến Thuỵ để thực hiện mô hình trồng sen.
Sau đó, anh đã đầu tư tiền của, công sức để cải tạo ruộng và cùng với vợ thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sen Hữu Bằng. Đồng thời, vợ chồng anh đã thuê 14 người với mức lương từ 12 – 15 triệu đồng/người để làm các công việc như: Lấy củ sen và làm việc tại kho chế biến.
Một năm sau, mô hình của anh đã được thu hoạch vụ đầu tiên. Tuy nhiên, do chi phí cải tạo ruộng khá lớn nên sau khi trừ tất cả các chi phí thì không có lãi. Đến vụ sau, khi ruộng đã được ổn định, mô hình của anh đã cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng, trừ các chi phí thì cho lãi khoảng 150 triệu đồng. Đến năm 2023, anh Thảo tiếp tục thuê thêm 20 mẫu ruộng sâu trũng, bỏ hoang để mở rộng mô hình.
Cũng theo anh Thảo, sen không chỉ được dùng lấy hoa mà các bộ phận khác như: Hạt sen, lá sen, củ sen, ngó sen cũng có thể bán được. Tuy nhiên, mô hình của anh được trồng chủ yếu để lấy củ nên các bộ phận còn lại hầu như không được thu hoạch. Trung bình, 1 sào sẽ thu hoạch được 250 – 300kg củ. Theo đó, củ sen tươi được dùng để xào nấu, hầm xương… có giá dao động từ 17.000 – 25.000 đồng/kg, tuỳ từng thời điểm và loại củ. Còn tinh bột sen dùng để: Chữa nóng trong người, chữa táo bón, giảm cân… được bán với giá 500.000/kg.
Trong trồng sen thì đất và nước là 2 yếu tố rất quan trọng. Cụ thể, nếu được trồng tại khu vực đất cát và đất thịt thì củ sen sẽ có nhiều tinh bột và ngược lại, trồng trong đất bùn thì củ sẽ bị xốp; Còn nước sẽ nuôi sống và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển của cây.
“Thời gian qua, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sen Hữu Bằng đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm như: Củ sen tươi, tinh bột sen, củ sen sấy giòn…Trồng sen tuy vất vả nhưng thu nhập cũng được ổn định, nên trong thời gian tới, tôi dự định sẽ mở rộng thêm diện tích để tiếp tục sản xuất”, anh Thảo chia sẻ.
Ông Ngô Văn Song - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hữu Bằng cho biết: “Sen là loại cây trồng phù hợp với diện tích đất trồng lúa sâu trũng và có thị trường tiêu thụ rộng. Các bộ phận của cây sen có thể chế biến ra nhiều sản phẩm giá trị như: Tinh bột củ sen, dưa ngó sen, trà lá sen, mứt củ sen… Do đó, nếu biết khai thác triệt để những tác dụng và được quy hoạch thành vùng nguyên liệu thì trồng sen sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Không những vậy, việc người dân sử dụng diện tích sâu trũng, bỏ hoang nhiều năm để trồng sen cũng hạn chế được tình trạng bỏ hoang ruộng, tránh gây lãng phí tài nguyên đất”.
Năm 2023, anh Nguyễn Duy Thảo đã được Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tặng Giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông thành phố Hải Phòng lần thứ 4, năm 2022 – 2023 với đề tài “Xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế từ cây sen”.