Triển khai Luật Đất đai 2024

Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Trường Giang 19/08/2024 - 17:00

Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2024/NĐ-CP, trong đó có quy định cụ thể về trường hợp cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được giao đất, nay không còn đất hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất thì được xem xét để giao đất phục vụ cho nhu cầu ở cũng như sản xuất.

Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS (Điều 27) gồm: Có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Còn Luật Đất đai năm 2024 quy định trách nhiệm của Nhà nước: Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời quy định, có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, để bảo đảm ổn định cuộc sống như: Giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, cho phép chuyển mục đích SDĐ sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền SDĐ đối với đất có nguồn gốc được nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền SDĐ theo quy định của pháp luật. Giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền SDĐ. Cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất...

1(2).jpg
Nghị định 102/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số

Đồng thời, Luật cũng quy định cụ thể từng trường hợp được hỗ trợ về đất ở, sản xuất đối với đồng bào DTTS thiếu đất, không có đất. Như có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người DTTS đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 2, Điều 16 nhưng nay không còn đất, hoặc thiếu đất so với hạn mức mà thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Theo Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai 2024, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai để bảo đảm ổn định cuộc sống cho cá nhân là người DTTS đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhưng sau đó không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức. Đây cũng là sự kỳ vọng của đồng bào DTTS, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, đồng bào DTTS nếu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 chỉ được thực hiện quyền để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền SDĐ cho người thuộc hàng thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trường hợp người SDĐ chết mà không có người thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Khoản 2, Điều 16 của Luật Đất đai năm 2024 thì đất đó được Nhà nước thu hồi và bồi thường tài sản gắn liền với đất cho người được hưởng thừa kế.

Để hướng dẫn cụ thể quy định này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024.

Theo Nghị định, việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai thực hiện như sau: Đối với trường hợp không còn đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở; người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở thì được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở và được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức giao đất ở;
Đối với trường hợp không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương thì được giao tiếp đất nông nghiệp trong hạn mức.
Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp xã, UBND cấp huyện trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số. Cụ thể, UBND cấp xã rà soát và lập danh sách các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15/10 hằng năm;
UBND cấp huyện tổ chức đo đạc, xác định diện tích và thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai, gồm các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai mà không còn nhu cầu sử dụng đất;
UBND cấp huyện lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số trên cơ sở quỹ đất quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đất đai. Nội dung phương án phải nêu rõ các trường hợp được hỗ trợ, diện tích hỗ trợ, hình thức hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số;
UBND cấp huyện trình UBND cấp tỉnh quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Đất đai.

Kinh phí quy định tại khoản 8 Điều 16 Luật Đất đai được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, trường hợp địa phương không tự cân đối được ngân sách thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường Giang