Môi trường

TP. Huế: Bảo vệ cây xanh mùa mưa bão

Văn Dinh 19/08/2024 - 16:54

(TN&MT) - Mùa mưa bão sắp đến và để bảo vệ, bảo tồn cây xanh, cơ quan chức năng ở TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã và đang thực hiện nhiều biện pháp.

Huế là “thành phố xanh quốc gia”, có mật độ cây xanh dày đặc; tỷ lệ “phủ” cây xanh đô thị của Huế với khoảng 13 m2/người. Cây xanh được xem là “di sản xanh” của Huế, trong đó có nhiều cây cổ thụ, cây lâu năm cũng như nhiều tuyến đường được quy hoạch “đường nào cây ấy” vừa tạo không gian xanh, che bóng mát và làm đẹp phố phường. Tuy nhiên, cứ sau mỗi mùa mưa bão, hàng trăm, hàng nghìn cây xanh đường phố bị bật gốc gãy đổ, nghiêng ngả, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng.

cayhue-12.jpg
Cây xanh ngã đổ ở TP. Huế trong những mùa mưa bão trước

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, đơn vị đang quản lý gần 70.000 cây xanh các loại, với hơn 60 loài cây trong đó có hàng trăm cây cổ thụ có giá trị cao, cần được bảo tồn, như bằng lăng, phượng vàng, phượng đỏ, muối, long não... Rút kinh nghiệm từ mùa mưa bão năm trước, việc cắt tỉa cây xanh đô thị năm nay được gấp rút triển khai từ sớm, đảm bảo hoàn thành khi mùa mưa bão ập đến nhằm hạn chế thiệt hại.

Theo đó, trước mùa mưa bão, Trung tâm Công viên cây xanh Huế sẽ tiến hành khảo sát thực tế hệ thống cây xanh tại hiện trường và thống kê những cây cao to, cành tán vươn xa, xây dựng kế hoạch cắt mé tạo tán, hạ thấp chiều cao cây để đảm bảo an toàn; thống kê những cây già cỗi, hư mục, gốc rễ nguy hiểm, dễ ngã đổ báo cáo đề xuất UBND TP. Huế phê duyệt chặt hạ...

z5744845888749_867b79efcfa6452236068b24b9db6f3a.jpg
TP. Huế thực hiện việc cắt tỉa cây xanh đô thị

Theo ghi nhận của PV ở trung tâm TP. Huế, thời điểm này, các công nhân cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng đã và đang tiến hành việc cắt tỉa cây xanh phù hợp, nhất là với các cây nặng tán và có khả năng gãy đổ, bật gốc cao. Việc tiến hành cắt cành, thân cây diễn ra nhanh và an toàn, có biển cảnh báo và người cảnh giới cho người đi đường, vừa kịp thời thu gom “rác cây”, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo lưu thông.

Đối với những tuyến đường xa, Trung tâm Công viên cây xanh Huế triển khai cắt tỉa tạo sự cân đối, hạ độ cao theo tiêu chí vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo sự đồng đều và làm đẹp cho thành phố.

“Công tác cắt mé cây xanh hằng năm khoảng 4.500 – 5.000 cây. Trong quá trình thực hiện cắt mé, Trung tâm chú trọng đến công tác kỹ, mỹ thuật, tạo tán cân đối, đồng đều cho cây xanh, bôi keo vào các vết cắt để cây khỏi bị nấm, mối, sâu bệnh xâm nhập, đồng thời đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, tài sản và các công trình hạ tầng lân cận”, ông Chinh nói.

z5744845906322_dbe25899edfcd68cc890041bf7027f72.jpg
Việc cắt tỉa cây xanh sẽ đảm bảo an toàn khi Huế bước vào mùa mưa bão

Theo UBND TP. Huế, hằng năm, thành phố yêu cầu Trung tâm Công viên cây xanh Huế chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cây xanh đô thị trong mùa mưa bão. Ngoài ra cũng yêu cầu Phòng GD&ĐT chủ động kiểm tra, rà soát cây có khả năng gãy đổ trong phạm vi nhà trường để hợp đồng với Trung tâm Công viên cây xanh Huế xử lý. Với cây xanh trong khuôn viên nhà dân, trụ sở cơ quan ban ngành… không do Trung tâm Công viên cây xanh Huế quản lý thì UBND phường tổ chức tuyên truyền, vận động cắt mé để đảm bảo an toàn cho người dân lẫn phương tiện giao thông.

z5744845887543_84ebb7a53124198c0e0d9d7ce74cb5a8.jpg
Các cây nặng tán và có khả năng gãy đổ, bật gốc cao sẽ ưu tiên cắt tỉa trước

Cùng với việc cắt tỉa, hạ độ cao nhằm bảo vệ hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão, thời gian qua Trung tâm Công viên cây xanh Huế cũng thường xuyên bổ sung, chỉnh trang hệ thống cây xanh tại các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố và các công viên, điểm xanh trên địa bàn.

Trong đó, Trung tâm đã đưa ra nhiều tiêu chí để lựa chọn xây dựng quy hoạch cây xanh thành phố, chọn chủng loại thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu địa phương nhằm làm đa dạng, phong phú chủng loại cây trồng, như cây trồng phù hợp với cảnh quan đô thị; cây được chọn có hoa, tán đẹp, độ phân cành cao, thường xanh quanh năm, ít rụng lá; cây không thuộc dạng thân giòn, dễ gãy, hệ rễ không thuộc dạng ăn ngang trên mặt đất, không phá vỡ công trình hiện có; hoa không phát mùi gây ô nhiễm không khí, quả khi chín rơi rụng không thu hút ruồi muỗi, không làm mất vệ sinh môi trường, không gây tai nạn cho người đi đường… Ngoài ra, Trung tâm cũng nghiên cứu, lựa chọn cây có giá trị về văn hóa, lịch sử; cây có khả năng lọc được bụi và giảm tiếng ồn; cây có bộ rễ phát triển ăn sâu để hạn chế đổ ngã khi mưa bão; cây có sức sống cao chịu được tác động bất lợi của đô thị…

Văn Dinh