Emagazine: Người Hà Nội hãi hùng với chó thả rông

Xã hội - Ngày đăng : 11:07, 17/08/2024

Sự chủ quan của người dân và thói quen nuôi thả rông chó, mèo đang trở thành một thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh dại lây lan.
anh-dau-de.png

(TN&MT) - Mặc dù chính quyền thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều biện pháp phòng chống bệnh dại, nhưng sự chủ quan của người dân, lơ là trong tiêm phòng và thói quen nuôi thả rông chó, mèo đang trở thành một thách thức lớn trong công tác kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan khiến nguy cơ bùng phát bệnh dại trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết.

1.jpg

Vườn hoa 1/6 nằm trên địa bàn phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội - một không gian xanh đáng lẽ phải là nơi thư giãn cho cư dân, lại đang trở thành địa điểm đáng lo ngại bởi tình trạng chó thả rông.

Người dân đến đây tập thể dục không chỉ thường xuyên phải đối mặt với trải nghiệm tồi tệ khi chất thải động vật rải rác gây ô nhiễm môi trường mà còn phải sống trong nỗi sợ hãi trước nguy cơ bị tấn công bởi những con chó không được rọ mõm, thả rông một cách vô trách nhiệm.

Việc dạo bước trong công viên thay vì là niềm vui giờ đây đã trở thành một trải nghiệm căng thẳng và nguy hiểm. Nhiều người thậm chí cảm thấy sợ hãi khi ra ngoài vì lo ngại gặp phải chó thả rông không xích, không rọ mõm.

dsc05451.jpg
Cơ quan quản lý đã có cảnh cáo và quy định cụ thể về mức phạt đối với người nuôi chó

Hay tại Công viên Cầu Giấy, theo ghi nhận của phóng viên Báo TN&MT, bất chấp các biển cảnh cáo hay các quy định xử phạt cụ thể của các cơ quan chức năng, hàng ngày vẫn có nhiều chủ nuôi ngang nhiên đưa chó vào công viên, không sử dụng xích hay rọ mõm, biến nơi đây thành một mối nguy hiểm rình rập. Tình trạng này không chỉ kéo dài trong nhiều năm mà còn bị coi là "chuyện thường ngày" trong mắt một bộ phận người dân.

Dù gây ra nhiều phiền toái, nhưng do ngại va chạm, không ít người chọn cách im lặng và bỏ qua. Kết quả là các vi phạm trong việc nuôi chó mèo cứ tiếp diễn từ năm này qua năm khác mà không được giải quyết triệt để.

anh-2(1).jpg
Không khó để bắt gặp những chú chó đang “rong chơi” tại khu vực quanh công viên

Đáng buồn hơn, những không gian công cộng như công viên, đường dân sinh đang dần bị biến thành "nhà vệ sinh" cho thú cưng, trong khi người dân lại thiếu nơi sinh hoạt, vui chơi, giải trí.

Điều này không chỉ làm xấu đi hình ảnh không gian công cộng mà còn đẩy người dân vào tình trạng sống chung với hiểm họa, từ nguy cơ lây lan bệnh tật đến những tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

19f9548b09adadf3f4bc.jpg
Chó thả rông phóng uế bừa bãi ra đường phố gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 440.000 chó mèo và con số này thường xuyên biến động. Đáng chú ý, người dân sống ở khu vực đô thị, đặc biệt tại các chung cư cao tầng ngày càng có xu hướng nuôi chó cảnh, trong đó bao gồm cả các loại chó lớn, chó có đặc tính hung dữ.

Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân vẫn chưa cao, không chủ động khai báo số lượng vật nuôi và thực hiện tiêm phòng theo quy định gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống bệnh dại, nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng.

anh-3(1).jpg
Khi công viên - không gian công cộng trở thành chỗ thả rông chó của người dân
3.jpg

Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó, với 27 người phải điều trị dự phòng do bị phơi nhiễm từ các động vật mắc bệnh​. Đặc biệt, các khu vực ngoại thành như Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh là những nơi có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh do tập trung nhiều hộ dân nuôi chó, mèo nhưng tỷ lệ tiêm phòng còn thấp.

anh-5.jpg

Tình trạng chủ quan trong phòng chống bệnh dại không chỉ tồn tại ở những vùng nông thôn, mà ngay cả trong các khu đô thị việc tiêm phòng cho động vật nuôi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều người dân vẫn thờ ơ trước việc tiêm phòng cho chó, mèo, một phần do thiếu hiểu biết, một phần do tư tưởng cho rằng bệnh dại là vấn đề xa lạ, không đáng lo ngại.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự chủ quan của người dân là do thiếu thông tin về mức độ nguy hiểm của bệnh dại. Mặc dù các cơ quan y tế đã nỗ lực tuyên truyền về nguy cơ của bệnh nhưng nhiều người vẫn không nhận thức đầy đủ về hậu quả chết người của nó.

Một vấn đề khác là việc thiếu ý thức trong việc quản lý và tiêm phòng cho chó, mèo của cá nhân các chủ nuôi. Ở các khu vực ngoại thành, không ít gia đình vẫn duy trì thói quen nuôi thả rông chó, mèo mà không có biện pháp bảo vệ nào. Điều này làm tăng nguy cơ lây lan bệnh dại khi các động vật này tiếp xúc với chó, mèo hoang hoặc các động vật khác đã nhiễm bệnh.

Hệ lụy của sự chủ quan này đã bắt đầu hiện rõ, phản ánh sự lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương.

984ec36483b227ec7ea3.jpg

Theo khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chỉ có khoảng 40% số người được hỏi hiểu rõ về cách thức phòng ngừa bệnh dại, trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phát triển là hơn 80%​.

2(1).jpg

Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống bệnh dại. Đầu tiên, việc tiêm phòng cho chó, mèo cần được đẩy mạnh, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Ba Vì, Chương Mỹ. Mục tiêu của thành phố là tiêm phòng cho 100% số chó, mèo nuôi trên địa bàn, một bước quan trọng để ngăn ngừa bệnh dại lây lan từ động vật sang người​.

Để chủ động phòng chống bệnh dại trên người, từ đầu năm 2024, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành kế hoạch liên ngành phòng chống dịch bệnh lây từ động vật sang người, các công văn tăng cường phòng chống dịch bệnh dại.

fcef7eb81e9ebac0e38f.jpg
Ở khu vực ngoại thành, nông thôn, chó mèo không tiêm phòng và hay thả rông không kiểm soát

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cũng đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách và các phòng tiêm chủng; thực hiện công tác tư vấn chỉ định tiêm phòng dại và thống kê báo cáo người phơi nhiễm đúng quy định; tổ chức kiểm tra giám sát công tác điều tra, xử lý và nội dung hoạt động phòng chống bệnh dại trên người tại các tuyến.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, qua thực tế giám sát, bệnh dại trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn còn mầm bệnh tiềm ẩn, nguy cơ dịch bệnh lan rộng toàn huyện nếu không kiểm soát tố. Chính vì vậy, ngành y tế Hà Nội đề nghị UBND huyện Sóc Sơn thực hiện nghiêm các biện pháp để kiểm soát, phòng ngừa bệnh dại cho động vật.

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và Sở Y tế Hà Nội, huyện Sóc Sơn đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh dại, trong đó, huyện đã kích hoạt lại đội bắt chó thả rông ở các xã, thị trấn sau khi xảy ra các vụ chó dại cắn người. Tại xã Hiền Ninh - một điểm nóng về bệnh dại của huyện đã dành riêng một khu vực để tiêu hủy chó thả rông. Đội chuyên trách của xã đã tích cực tuần tra, bắt giữ chó, mèo không được quản lý. Chỉ trong một tuần qua, xã đã tiêu hủy 7 con chó và xử phạt 1 trường hợp chủ nuôi 1 triệu đồng.

tiem-phong-cho-dai.jpg
Tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Ảnh: Ảnh Dương

Năm 2024, tỷ lệ mắc bệnh tại Hà Nội đã giảm so với các năm trước, tuy vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân vẫn cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch truyền thông ngắn hạn, cần có những chương trình giáo dục dài hạn về bệnh dại trong cộng đồng, từ đó giúp người dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa.

3de2eac5ee084a561319.jpg
Việc quản lý chó, mèo thả rông cũng cần được thực hiện nghiêm túc hơn

Ngoài ra, việc quản lý chó, mèo thả rông cũng cần được thực hiện nghiêm túc hơn. Các biện pháp xử lý như tiêu hủy chó, mèo hoang, thả rông cần được thực thi một cách quyết liệt để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và đạt được mục tiêu phòng ngừa bệnh dại toàn diện. Chưa kể việc thả rông chó mèo không chỉ gây hại cho sức khỏe cộng đồng mà còn để lại những tác động tiêu cực đối với môi trường do chất thải của chúng không được xử lý gây ra những vấn đề về vệ sinh môi trường, làm tăng nguy cơ phá hoại cây trồng, hoa màu, ảnh hưởng đến nông nghiệp và đời sống của người dân.

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong gần như 100% nếu không được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, sự chủ quan của người dân Hà Nội đang làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Để ngăn chặn dịch bệnh này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan y tế và cộng đồng, cùng với sự thay đổi về nhận thức và hành vi của người dân. Chỉ khi đó, Hà Nội mới có thể kiểm soát và loại trừ hoàn toàn bệnh dại, bảo vệ sức khỏe cho người dân Thủ đô.

Ngọc Trâm - Đức Tâm (thực hiện)