Xã hội

Tăng đủ lớn và thường xuyên thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm tiêu dùng thuốc lá

Mai Đan 17/08/2024 - 09:37

(TN&MT) - Xu hướng giảm giá thực của thuốc lá và sức mua của thuốc lá tăng theo thời gian là vấn đề rất đáng lo ngại vì nó làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ và người nghèo. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng.

Giá và thuế - giải pháp hữu hiệu kiểm soát tiêu dùng thuốc lá

Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc (50% còn lại là từ các biện pháp khác như thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá…)

Theo WHO, khi giá thuốc lá tăng trung bình 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.

thuoc_la_1-1711670610837-1-.jpg
Thuốc lá lậu bị thu giữ, tiêu hủy

Báo cáo của WB về Phúc lợi và phân phối tác động của tăng thuế thuốc lá Việt Nam cũng cho thấy phần lớn dân số và đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi khi giá thuốc lá tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo ở Việt Nam, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.

Đồng thời, người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ đồng thời có thêm nguồn thu thuế để đầu tư vào các chương trình xã hội và y tế cùng nhiều tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.

Tăng thuế thuốc lá để kiểm soát tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 2015 bao gồm 17 Mục tiêu mà tất cả các Quốc gia Thành viên đã cam kết đạt được vào năm 2030. Kiểm soát tiêu dùng thuốc lá liên quan trực tiếp đến Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3 “đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người” bao gồm mục tiêu 3.4 giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm và mục tiêu 3.a để tăng cường thực hiện Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC).

Đại hội đồng Liên hợp quốc trong Chương trình hành động Addis Ababa năm 2015 đã ghi nhận: “Các biện pháp về giá và thuế đối với thuốc lá có thể là một phương tiện hữu hiệu và quan trọng để giảm tiêu thụ thuốc lá và chi phí chăm sóc sức khỏe, đồng thời thể hiện một nguồn thu để tài trợ cho phát triển ở nhiều quốc gia”.

Cũng đánh giá cao các biện pháp về giá và thuế, bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh. Trước hết là tăng giá, bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua chúng. Giá cao đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc.

Tiếp đó là giảm tiêu thụ. Giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá họ hút, trong khi những người khác có thể bỏ thuốc hoàn toàn.

Khía cạnh nữa là ngăn chặn việc bắt đầu. Giá cao có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người có thể bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên.

Đề xuất bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và thay đổi định kỳ

Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá khác và là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và WB khuyến cáo các nước áp dụng. Song Việt Nam lại thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực.

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (năm 2020), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%). Đáng chú ý, theo khuyến cáo của WHO và WB, tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng.

1234-2021(3).jpg
Thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng thuốc lá, tuy nhiên tác động của mức tăng thuế đối với giá thuốc lá và tỷ lệ sử dụng thuốc lá là không đáng kể, do vậy không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc.

Từ năm 2008 đến năm 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá: Tăng mức thuế suất từ 55% lên 65% (2008); tăng từ 65% lên 70% (2016) và tăng từ 70% lên 75% (2019). Nhưng với mức tăng thuế suất thấp (5% - 10% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế dựa trên giá xuất xưởng thấp và khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế tương đối dài nên mức tăng giá thuốc lá do tăng thuế là không đáng kể.

Theo kết quả điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam, giai đoạn 2015-2020, với hai lần tăng thuế (kết hợp thực hiện các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá khác), tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung chỉ giảm 0,8% (từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020), tỷ lệ hút thuốc ở nam giới cũng chỉ giảm 3% (từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020). Mức giảm này không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá của nam giới trưởng thành Việt Nam xuống 39% vào năm 2020 trong Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.

Thêm vào đó, do mức gia tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm cao hơn mức tăng giá thuốc lá đã làm cho sức mua thuốc lá ngày càng tăng. Theo phân tích của WHO dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 - 2022 thu nhập đầu người tăng 203% (từ 31,5 triệu đồng lên 95,6 triệu đồng) trong khi giá thuốc lá (nhãn hiệu phổ biến nhất, Vinataba) chỉ tăng 56% (từ 14.000 đồng lên 21.900 đồng/bao).

Phân tích sức mua thuốc lá bằng chỉ số “Giá thuốc lá tính theo phần trăm thu nhập quốc dân trên đầu người” cho thấy nếu năm 2000 người dân Việt Nam phải chi tiêu 4,49% thu nhập của mình thì năm 2020 người dân Việt Nam chỉ chi tiêu 2,63% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá có hương hiệu phổ biến trên thị trường. Điều này cho thấy thuốc lá ở nước ta ngày càng rẻ hơn so với thu nhập nên dễ mua hơn.

Từ những số liệu trên, ThS. Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế đề xuất tăng thuế ở mức đủ lớn để làm chậm lại đà tăng trưởng về tiêu thụ và giảm tiêu dùng. Chuyên gia này kiến nghị Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức đủ cao và có thay đổi định kỳ; sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế tỷ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại và tỷ lệ tất cả các loại thuế nên đạt tối thiểu 75% giá bán lẻ. Ngoài ra, để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá, nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

Mai Đan