Đất đai

Sơn La: Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong xây dựng CSDL đất đai

Nguyễn Nga 16/08/2024 - 19:33

(TN&MT) - Chiều ngày 16/8, UBND tỉnh Sơn La họp Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai tỉnh.

Hơn 93% diện tích chưa được đo đạc chính quy

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La, toàn tỉnh hiện có 57/204 xã của 5/12 huyện, thành phố đã được đo đạc, thành lập bản đồ địa chính chính quy, gồm: Thành phố, Mường La, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên.

a1(1).jpg
Ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Đề án chủ trì cuộc họp.

Tổng diện tích đo đạc địa chính chính quy, đáp ứng xây dựng CSDL đất đai là 91.204 ha, đạt 6,5% trên tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích chưa đo đạc chính quy là trên 1,3 triệu ha, chiếm 93,5%.

Bên cạnh đó, qua báo cáo của các huyện, thành phố, các địa phương đang triển khai các dự án Đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và các dự án trích đo địa chính để phục vụ công tác quản lý đất đai (thu hồi, giao đất, giải phóng mặt bằng...) do UBND các huyện làm chủ đầu tư, nguồn kinh phí từ tiền sử dụng đất hàng năm.

Tuy nhiên, đa số các dự án này có hình thức rời rạc, nhỏ lẻ; không gắn với xây dựng CSDL đất đai. Một số dự án chỉ dừng ở công tác đo đạc, chưa kê khai đăng ký đất đai, chưa đáp ứng mục tiêu về cơ sở dữ liệu số, chuyển đổi số và dữ liệu phải được cập nhật vận hành trên hệ thống phần mềm đa mục tiêu, kết nối với các dữ liệu của cơ quan thuế, cổng dịch vụ công quốc gia.

Về xây dựng CSDL đất đai, đã xây dựng CSDL đất đai tại 8/12 huyện, thành phố. Trong đó, 6/8 huyện thực hiện theo Dự án VILG; 3/8 huyện, thành phố thực hiện theo Dự án tổng thể. Tổng số thửa đất đã xây dựng CSDL là trên 13 triệu thửa đất đã được đưa vào vận hành phục vụ quản lý nhà nước và giải quyết TTHC về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Còn 4/12 huyện chưa đầu tư xây dựng CSDL đất đai gồm: Bắc Yên, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Sốp Cộp. Văn phòng Đăng ký đất đai đã tự xây dựng CSDL địa chính, cập nhật đối với các thửa đất để thực hiện TTHC trên hệ thống phần mềm VBDLIS với 64 xã thuộc 4 huyện.

Về vận hành CSDL đất đai, 11/12 huyện, thành phố đang thực hiện trên phần mềm VBDLIS, riêng Mường La vẫn sử dụng phần mềm VILIS.

z5737771472096_ced638828bec290677d7d9f98f7a1673.jpg
Sơn La còn hơn 1,3 triệu ha đất chưa được đo đạc chính quy, chiếm 93,5% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Ưu tiên các địa bàn trọng điểm để xây dựng CSDL

Khó khăn lớn nhất với Sơn La hiện nay là còn hơn 1,3 triệu ha đất chưa được đo đạc địa chính chính quy, chiếm tới 93,5% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với nhiều trường thông tin, nhiều thông tin biến động, gây khó khăn cho công tác xây dựng CSDL. Để xây dựng CSDL đòi hỏi phải xử lý, chuẩn hóa, số hóa, chọn lọc, sắp xếp… các thông tin, tài liệu, tốn nhiều thời gian và chi phí.

Công tác cập nhật, vận hành CSDL hiện do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ an toàn, bảo mật thông tin chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng, vận hành, khai thác có hiệu quả CSDL đất đai.

Tình trạng sử dụng phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu không thống nhất, các phần mềm ứng dụng đang được các huyện, thành phố sử dụng chưa đồng nhất gồm VILIS, VBDLIS. Song, phần mềm VILIS không được cập nhật, nâng cấp nên không còn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định hiện hành.

Hàng năm, UBND tỉnh đã cân đối, bố trí 10% từ nguồn thu từ đất để triển khai đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng CSDL đất đai. Tuy nhiên, nguồn thu từ đất rất hạn chế, còn phải cân đối để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

Do đó, nguồn kinh phí bố trí thực hiện xây dựng CSDL đất đai đang rất khó khăn. Hiện UBND tỉnh đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, gửi Bộ Tài chính đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

img_2361.jpg
Sơn La tập trung nguồn lực hoàn thiện công tác đo đạc, xây dựng CSDL đất đai.

Tại cuộc làm việc, đại diện các huyện, thành phố đều khẳng định, công tác đo đạc, xây dựng CSDL đất đai là hết sức cần thiết và cấp thiết. Vướng mắc chính hiện nay tại các địa phương cũng chủ yếu liên quan đến kinh phí, nguồn lực thực hiện.

Kết luận cuộc họp, ông Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở ban ngành đã triển khai xây dựng Dự thảo Đề án đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL đất đai tỉnh Sơn La. Qua đó, đã phác thảo được bức tranh toàn cảnh về thực trạng công tác đo đạc, xây dựng CSDL đất đai để tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Thời gian tới, Trưởng ban chỉ đạo Đề án giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án để trình thông qua trong thời gian sớm nhất.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, trước mắt, ưu tiên lựa chọn các khu vực đô thị, địa bàn có nhiều giao dịch đất đai, đất có giá trị kinh tế - xã hội cao để tập trung chỉ đạo thực hiện công tác đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL đất đai.

Tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng, khai thác các nguồn dữ liệu. Đánh giá hiệu quả khi thực hiện đề án, đề xuất cơ chế, phương án để khai thác nguồn dữ liệu sau khi được đo đạc. Tham khảo, tham chiếu các địa phương có tính chất tương đồng đã triển khai thực hiện đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính, xây dựng CSDL đất đai.

UBND các huyện, thành phố lượng hóa khối lượng công việc, xác định rõ khu vực nào cần tập trung trước nguồn lực để thực hiện đo đạc, xây dựng CSDL đất đai. Bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất từ ngân sách cấp huyện cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng CSDL trên địa bàn huyện.

Nguyễn Nga