Kinh tế

Sơn La quyết tâm trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc

Nguyễn Nga 16/08/2024 - 19:30

(TN&MT) - Ngày 16/8, ông Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đồng chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV.

Thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường

Theo báo cáo của UBND tỉnh, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tỉnh Sơn La đạt nhiều kết quả nổi bật.

z5737365653266_910ff453f9a7242b53095b3ebe87765c.jpg
Quang cảnh Hội nghị.

Giá trị sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản giai đoạn 2021 - 2023 tăng trung bình 8,45%/năm; giá trị hàng nông sản, chế biến tham gia xuất khẩu tăng bình quân 18,5%/năm, riêng năm 2023, xuất khẩu nông sản đạt trên 159 triệu USD, tăng 6,42% so với cùng kỳ.

Trong công tác thu hút đầu tư, đã chỉ đạo các huyện, thành phố rà soát, đề xuất các nội dung điều chỉnh theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030. Cập nhật nhu cầu xây dựng, mở rộng các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến nông sản vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) tỉnh.

Thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Kết quả, trong giai đoạn vừa qua, đã thu hút 11 dự án chế biến nông sản quy mô lớn; dự kiến đến hết năm 2025, thu hút thêm 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp.

2(3).jpg
Giai đoạn 2021-2025, Sơn La đã thu hút 11 dự án chế biến nông sản quy mô lớn.

Đồng thời, yêu cầu các cấp, các ngành, các huyện, thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, không để tái diễn ô nhiễm nước thải từ hoạt động chế biến nông sản.

Yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường từ giai đoạn thu hút, cấp phép đầu tư các dự án chế biến nông sản, giai đoạn xây dựng nhà máy, vận hành sản xuất và tiêu thụ. Đẩy mạnh áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất bền vững; thu hút các dự án có công nghệ sản xuất tiên tiến, gắn với bảo vệ môi trường, định hướng thu hút các nhà máy chế biến vào các khu, cụm công nghiệp để xử lý môi trường tập trung.

Kiểm tra, giám sát chặt các cơ sở chế biến nông sản; tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn với Giám đốc Sở TN&MT.

Với các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ, UBND cấp huyện đã quyết liệt tổ chức kiểm tra, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên giám sát hoạt động của các cơ sở, không để phát sinh cơ sở tự phát quy mô nhỏ không có công trình xử lý chất thải, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

1(4).jpg
Hơn 4.000ha cây trồng trên địa bàn tỉnh áp dụng tưới tiết kiệm nước, góp phần thích ứng BĐKH.

Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 21/1/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng 2030, cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2023 đạt 24,5%; tăng trưởng GRDP toàn ngành giai đoạn 2021 - 2023 bình quân đạt 5,1%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết 0,1%; giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt bình quân giai đoạn 2021 – 2023 tăng 10,44%, đạt mục tiêu Nghị quyết…

Toàn tỉnh hiện có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận; đang triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mộc Châu. Cùng với đó, có hơn 2.200ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; hơn 19.000ha cà phê áp dụng 4C, UTZ và các tiêu chuẩn tương đương; hơn 4.000ha cây trồng áp dụng tưới tiết kiệm nước; 56ha nhà kính, nhà lưới sản xuất nông nghiệp…

Quan tâm tạo quỹ đất phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, đã cấp chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản, với tổng vốn đăng ký khoảng trên 5.000 tỷ đồng...

img_3891.jpeg
Cùng với thu hút đầu tư, Sơn La đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường tại các nhà máy chế biến nông sản.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác hỗ trợ các cơ sở chế biến nông sản bảo đảm có vùng nguyên liệu tập trung, ổn định gắn với thị trường trong và ngoài nước;

Việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại các cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp; công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong quá trình hoạt động sản xuất…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La Hoàng Quốc Khánh đã ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các sở, ngành, các địa phương đã đạt được trong thời gian qua.

Đồng thời, giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các huyện ủy, thành ủy tiếp tục tăng cường, nâng cao trách nhiệm thực hiện có hiệu quả và quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản đến năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, với quyết tâm cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết 06 và 08. Giao UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng dự thảo Đề án xây dựng Sơn La thành Trung tâm chế biến nông sản Tây Bắc, sớm trình Thường trực Tỉnh ủy ban hành.

Tiếp tục đẩy mạnh tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Rà soát, chuyển diện tích đất lâm nghiệp trên thực tế không có rừng sang đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kết hợp với sản xuất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch, bảo đảm theo đúng quy định.

Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, phát huy các tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng.

Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu thực hiện lộ trình tiến tới không chấp thuận đầu tư các dự án nhỏ lẻ ngoài khu, cụm công nghiệp tại các địa bàn đã có khu, cụm công nghiệp. Nghiên cứu di dời các nhà máy chế biến nông sản vào trong các khu, cụm công nghiệp, nhằm đảm bảo yếu tố môi trường và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nguyễn Nga