Biến đổi khí hậu

Quảng Ngãi: Đề xuất xây dựng hệ thống trữ, cấp nước cho huyện đảo Lý Sơn

Võ Hà 16/08/2024 - 08:19

Để giải bài toán thiếu hụt nghiêm trọng lượng nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt tại đảo Lý Sơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đề xuất thực hiện dự án xây dựng hệ thống trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt tại hồ chứa nước Thới Lới.

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý với diện tích tự nhiên hơn 10 km2, dân số khoảng 24.000 người. Đất sản xuất nông nghiệp hơn 300 ha, chủ yếu trồng hành và tỏi.

Những năm gần đây, du lịch ở Lý Sơn phát triển nhanh chóng, cơ cấu ngành nghề từng bước được dịch chuyển sang du lịch, dịch vụ. Thế nhưng tại đảo, tình trạng thiếu nước ngọt ngày một trầm trọng và hiện chưa có phương án giải quyết triệt để.

ly-son-1.jpg
Hồ chứa nước Thới Lới

Toàn đảo hiện có hơn 2.100 giếng nước (mật độ hơn 210 giếng/km2) dùng trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Việc khai thác quá mức dẫn đến nhiều nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngầm và xâm nhập mặn.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đề xuất thực hiện Dự án xây dựng hệ thống trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt huyện Lý Sơn. Đây là công trình thủy lợi kết hợp công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III do UBND tỉnh cấp quyết định đầu tư.

Sở NN&PTNT đề xuất 2 phương án thu gom, trữ, cấp nước phục vụ sinh hoạt, du lịch, sản xuất ổn định, lâu dài cho huyện đảo Lý Sơn. Điểm chung của 2 phương án là cải tạo hồ chứa nước Thới Lới để trữ và chỉ dành cho việc cấp nước sinh hoạt trên huyện đảo thay vì cung cấp cho sản xuất nông nghiệp như hiện tại.

Việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ đầu tư hệ thống thu gom và bể chứa riêng ở vị trí gần hồ chứa nước, thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng theo phương án 1 khoảng 190 tỷ đồng và phương án 2 khoảng 450 tỷ đồng.

lyson2.jpg
Nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, sản suất nông nghiệp tăng cao trong khi nguồn nước ngầm trên đảo Lý Sơn sụt giảm theo từng năm

Mục tiêu dự án nhằm đảm bảo cấp nước tưới tiết kiệm cho 32 ha đất sản xuất nông nghiệp; cung cấp nước sinh hoạt với lưu lượng yêu cầu 1.150 m3/ngày, đêm, tương ứng cấp nước cho 11.000 người dân địa phương, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan phục vụ du lịch cho đảo Lớn (huyện Lý Sơn).

Đồng thời, bổ sung nguồn cấp nước ngầm, dâng cao mực nước ngầm vào mùa khô, cải thiện tình trạng xâm nhập mặn, góp phần ổn định lâu dài đời sống, sinh hoạt hàng ngày cho người dân huyện Lý Sơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, phương án cấp nước ngọt ổn định, bền vững để đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện đảo Lý Sơn trong thời gian tới, cũng như việc xây dựng hệ thống trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt huyện Lý Sơn là rất cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở NN&PTNT chủ trì, nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp thu gom, cấp nước tổng thể cho huyện Lý Sơn trên cơ sở bám sát Quy hoạch “Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045" và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đô thị Lý Sơn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, trong quá trình thực hiện, Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, UBND huyện Lý Sơn; đồng bộ và phát huy tối đa hiện trạng các công trình cấp nước, chứa nước đã và đang được đầu tư trên địa bàn.

Sở NN&PTNT cần đưa ra các giải pháp cấp nước gắn với từng giai đoạn và nguồn vốn thực hiện cụ thể,… để đề xuất tỉnh đầu tư dự án xây dựng hệ thống trữ, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt huyện Lý Sơn trong giai đoạn tới.

Trong đó, lưu ý tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương; phối hợp với các sở, ngành liên quan và huyện Lý Sơn ngay từ ban đầu để tránh ảnh hưởng đến các di tích, danh lam, thắng cảnh và công trình khác…

Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển, đảo.

Do vậy, việc đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và phát triển du lịch bền vững ở huyện đảo ngày càng trở nên cần thiết.

Võ Hà