Thanh Hóa sau gần 14 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Ý thức chấp hành pháp luật ngày càng cao
(TN&MT) - Sau gần 14 năm triển khai thực hiện Luật Khoáng sản 2010, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại Thanh Hóa đang đi vào nền nếp, không những khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, mà còn ngăn chặn cơ chế xin - cho bằng hình thức đưa khoáng sản ra đấu giá.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Hoành - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông cho biết về đặc điểm, tình hình khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua.
Ông Phạm Văn Hoành: Thanh Hóa có tổng diện tích tự nhiên 11.129,48km2, đến nay toàn bộ phần diện tích đất liền đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đo vẽ lập bản đồ địa chất và khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 và phần lớn diện tích khu vực phía Tây của tỉnh đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 với tổng diện tích đo vẽ là 6.472 km2.
Qua công tác điều tra, đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản đã phát hiện nhiều loại khoáng sản như: Than đá, sắt, crom, titan, zircon, chì-kẽm, thiếc, đồng, vàng, antimon, serpentin, than bùn, kaolin, barit, photphorit, fenspat, magnesit, dolomit, thạch anh, nước khoáng, nước nóng. Nhóm vật liệu xây dựng có: Đá vôi - đá sét xi măng, puzzolan, sét gạch ngói, cát sỏi lòng sông, đá ốp lát, đá xây dựng thông thường, vật liệu san lấp.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả kinh tế tài nguyên, theo các quy định của Luật Khoáng sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền làm cơ sở cấp phép hoạt động khoáng sản, cụ thể:
Quyết định số 176/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến 2015, định hướng 2020; Quyết định số 572/QĐ-UBND ngày 23/2/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Cập nhật các phương án bảo vệ tài nguyên vào quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phóng viên: Ngay sau khi Luật khoáng sản 2010 có hiệu, Thanh Hóa triển khai thực hiện như thế nào và kết quả ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Văn Hoành: Ngay sau khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực. Trên cơ sở các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều Kế hoạch, quyết định để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản trên địa bàn.
Giai đoạn 2011 - 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cấp: 550 giấy phép khai thác mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 330 giấy phép còn hạn.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức về tài nguyên và môi trường cho cán bộ tài nguyên và môi trường cấp huyện và cán bộ địa chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trong đó có nội dung về lĩnh vực khoáng sản; thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân, Sở đã lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về khoáng sản.
Nhờ vậy, cán bộ tài nguyên và môi trường cấp huyện, xã nắm vững các quy định, chủ trương chính sách pháp luật về khoáng sản từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tham mưu trong quản lý nhà nước trên địa bàn. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoáng sản ngày một nâng cao.
Các loại khoáng sản được thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng, trong đó nhóm khoáng sản làm xi măng (đá vôi, đá sét) đã được đầu tư khai thác, chế biến với quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 lao động (thuộc 4 nhà máy xi măng: Long Sơn, Bỉm Sơn, Công Thanh và Nghi Sơn).
Ngoài ra, trong nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng có các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, sét, đất san lấp) thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND tỉnh, trong những năm gần đây đã được đầu tư khai thác, chế biến bài bản và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình khoảng 60 - 70 triệu đồng/người/năm.
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; đường Nghi Sơn - Sao Vàng; đường ven biển; các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn và các dự án lớn của tỉnh.
Phóng viên: Để tiến tới hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Thanh Hóa có đề xuất, kiến nghị gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Hoành: Luật Khoáng sản 2010 ra đời đã góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay Luật Khoáng sản 2010 đã bộc lộ bất cập cần sửa đổi, bổ sung trong chính sách pháp luật về khoáng sản và các chính sách có liên quan.
Cụ thể, đối với chính sách về thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động khoáng sản, hiện đang thực hiện việc thu nhiều loại thuế, phí, lệ phí có liên quan về tiền cấp quyền, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí nước thải, tiền thuê đất... Do đó, đề nghị rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định theo hướng gộp các khoản thu như: Tiền cấp quyền, thuế tài nguyên vào một khoản thu để thuận lợi cho việc thực hiện của doanh nghiệp cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.
Đối với trình tự, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản đề nghị rà soát để giải quyết các vướng mắc, đồng thời xem xét đổi mới về hình thức đấu giá. Đối với thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, đề nghị rà, soát, nghiên cứu đổi mới cách thức, trình tự, thủ tục cấp phép để rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Đặc biệt đối với khoáng sản là đất làm vật liệu san lấp, cát sỏi tại khu vực thượng nguồn sông nhánh, suối có quy mô diện tích, trữ lượng nhỏ, đề nghị bổ sung điều, khoản quy định riêng về trình tự, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác đối loại khoáng sản này theo hướng đơn giản các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ cấp phép…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!