Nắm bắt cơ hội để hành động khẩn cấp vì khí hậu
(TN&MT) - Theo một phân tích mới của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cứ 5 trẻ em trên toàn cầu thì có 1 trẻ, tương đương 466 triệu trẻ em đang phải sống ở những khu vực có ít nhất gấp đôi số ngày cực nóng mỗi năm so với thế hệ ông bà của các em.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, nắng nóng cực đoan đang gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc và thói quen hàng ngày của trẻ em.
Nghiên cứu đã so sánh mức trung bình trong những năm 1960 với giai đoạn 2020-2024, đo những ngày vượt quá 35 độ C. Từ đó, UNICEF đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng về tốc độ và quy mô mà những ngày có mức nhiệt cao hơn 35 độ C đang gia tăng đối với gần 500 triệu trẻ em trên toàn thế giới, trong đó nhiều trẻ không được tiếp cận với cơ sở hạ tầng hoặc dịch vụ phù hợp.
Phát hiện ở cấp quốc gia
Phân tích dựa trên các dữ liệu quốc gia của UNICEF cũng chỉ ra rằng ở 16 quốc gia, trẻ em hiện phải trải qua hơn 1 tháng ngày nắng nóng so với 60 năm trước. Ví dụ, ở Nam Sudan, trẻ em phải trải qua trung bình hằng năm 165 ngày cực nóng trong thập kỷ này, so với 110 ngày vào những năm 1960, trong khi Paraguay đã tăng từ 36 lên 71 ngày.
Trên toàn cầu, trẻ em ở Tây và Trung Phi đang phải đối mặt với mức độ phơi nhiễm cao nhất với những ngày nắng nóng, cùng mức độ gia tăng đáng kể nhất theo thời gian. UNICEF cho biết, điều đó có nghĩa là 123 triệu trẻ em, tức 39% trẻ em ở Tây và Trung Phi, hiện phải trải qua trung bình hơn 1/3 thời gian trong năm, hoặc ít nhất 95 ngày, sống dưới nền nhiệt độ trên 35 độ C, thậm chí lên tới 212 ngày như ở Mali, 202 ngày ở Niger, 198 ngày ở Senegal và 195 ngày ở Sudan.
Trong khi đó, ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, gần 48 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực phải trải qua gấp đôi số ngày cực nóng mỗi năm so với 6 thập kỷ trước.
Căng thẳng nhiệt trong cơ thể, do tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, gây ra mối đe dọa đặc biệt đối với sức khỏe của trẻ em. Nắng nóng quá mức góp phần gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, các bệnh không lây nhiễm liên quan đến nhiệt và khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm lây lan trong môi trường nhiệt độ cao như sốt rét và sốt xuất huyết, bên cạnh những tác động đến sự phát triển của hệ thần kinh và sức khỏe tâm thần.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, cơ thể trẻ em dễ bị tổn thương hơn người lớn trước nhiệt độ cực cao, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh do nhiệt độ tăng sẽ khiến nhịp tim nhanh hơn. Do đó, nhiệt độ tăng cao thậm chí còn đáng báo động hơn đối với trẻ em so người lớn.
Tác động của các mối nguy hiểm liên quan đến khí hậu đối với sức khỏe trẻ em trở nên trầm trọng hơn do các mối nguy hiểm đó ảnh hưởng đến an ninh lương thực và nước, phá hủy cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn các dịch vụ cho trẻ em và làm gia tăng tình trạng di dời.
Ngoài ra, căng thẳng về nhiệt trong cơ thể do tiếp xúc với nhiệt độ cực cao cũng gây ra những mối đe dọa đặc biệt đối với sức khỏe của phụ nữ mang thai, liên quan đến các biến chứng khi mang thai và bất lợi khi sinh, bao gồm thai chết lưu, nhẹ cân và sinh non.
Kêu gọi các kế hoạch khí hậu quốc gia mới
Giám đốc điều hành UNICEF cho biết: “Những ngày hè nóng nực nhất hiện nay đang dần trở thành điều bình thường. Nhiệt độ cực cao đang gia tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và sinh hoạt hàng ngày của trẻ em".
Trong những tháng tới, tất cả các quốc gia cam kết tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ đệ trình các kế hoạch khí hậu quốc gia mới, trong đó sẽ thiết lập lộ trình hành động vì khí hậu trong một thập kỷ. Đây là cơ hội có thời hạn để đưa ra các kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
UNICEF kêu gọi các nhà lãnh đạo, chính phủ và khu vực tư nhân nắm bắt cơ hội này để thực hiện hành động vì khí hậu khẩn cấp và táo bạo, bảo vệ quyền của mọi trẻ em được hưởng một môi trường sống sạch, lành mạnh và bền vững.
Bà Russell cũng kêu gọi các chính phủ hành động để kiểm soát nhiệt độ ngày càng tăng, với các chính sách, kế hoạch hành động về khí hậu cần tính đến trẻ em hôm nay và thế hệ tương lai.