Thế giới

NOAA: Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất lịch sử

Mai Đan 13/08/2024 - 20:17

(TN&MT) - Dẫn báo cáo từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), ngày 13/8, hãng thông tấn AFP cho biết, tháng 7/2024 vừa qua là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 14 liên tiếp phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.

Theo NOAA, năm 2024 chắc chắn sẽ là 1 trong 5 năm nóng nhất trong lịch sử. Vào tháng 7 vừa qua, nhiệt độ toàn cầu cao hơn 1,21 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 là 15,8 độ C. Tháng 7/2024 cũng đã chứng kiến một loạt các đợt sóng nhiệt trên khắp các quốc gia Địa Trung Hải và vùng Vịnh. Trong đó, châu Phi, châu Âu và châu Á ghi nhận tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, trong khi Bắc Mỹ đã trải qua tháng 7 nóng thứ hai trong lịch sử.

gettyimages-1570310289-1024x693.jpg
NOAA vừa cho biết, tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất lịch sử

Cơ quan này cho biết, nhiệt độ đại dương ghi nhận tháng 7 ấm thứ hai từ trước đến nay. Trong khi đó, các nhà khoa học tại Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu lưu ý, nhiệt độ không khí trên đại dương vẫn cao bất thường ở nhiều khu vực, mặc dù có sự thay đổi từ hình thái thời tiết El Nino sang hình thái thời tiết La Nina có tác dụng làm mát.

Báo cáo hàng tháng của NOAA cũng chỉ ra rằng năm 2024 hiện có 77% khả năng trở thành năm ấm nhất trong lịch sử. Trước đó, năm 2023 được ghi nhận là năm ấm nhất trong lịch sử. Bà Samantha Burgess, Phó Giám đốc Copernicus cho biết: “Những tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu đã bắt đầu từ trước năm 2023 và sẽ tiếp tục cho đến khi lượng khí thải nhà kính toàn cầu đạt mức ròng bằng 0”.

Các số liệu tính toán của NOAA có sự chênh lệch so với Copernicus, đơn vị sử dụng một bộ dữ liệu khác đã tính toán nhiệt độ trung bình của tháng 7 thấp hơn một chút so với tháng 7/2023. Tuy nhiên, cả hai cơ quan này đều nhất trí về xu hướng đáng báo động của nhiệt độ phá vỡ kỷ lục, khi trong năm 2023, thế giới đã chứng kiến tháng này qua tháng khác nhiệt độ đạt những mức cao mới.

Trong một nghiên cứu liên quan được công bố trước đó trên Tạp chí Nature Medicine vào ngày 12/8, nhiệt độ cao đã gây ra gần 50.000 ca tử vong ở khu vực châu Âu trong năm 2023. Theo các nhà khoa học, nhiệt độ cao đang tồi tệ hơn do lượng khí thải carbon. Cụ thể, nghiên cứu của Viện Y tế toàn cầu Barcelona ước tính, 47.690 người đã tử vong liên quan đến nắng nóng trong năm ấm nhất thế giới, và là năm ấm thứ hai được ghi nhận ở châu Âu.

Nghiên cứu đã thu thập các hồ sơ ghi chép về nhiệt độ và tỷ lệ tử vong từ 35 quốc gia trên khắp lục địa này. Trong đó, các tác giả nhấn mạnh, người lớn tuổi có nguy cơ cao nhất, với các quốc gia ở Nam Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nắng nóng.

Hơn 50% số ca tử vong xảy ra trong 2 giai đoạn nắng nóng cao điểm vào giữa tháng 7 và tháng 8, trong bối cảnh Hy Lạp phải vật lộn với các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Nhiệt độ đã chạm ngưỡng 44 độ C vào ngày 18/7 tại Sicily.

Theo các tác giả, kết quả nghiên cứu đã nêu rõ tầm quan trọng của việc thích ứng trong thời gian qua và hiện tại trong việc cứu sống mọi người vào những mùa hè gần đây. Báo cáo cũng chỉ ra tính cấp thiết của các chiến lược hiệu quả hơn để giảm gánh nặng tử vong của những mùa hè nóng hơn sắp tới, đồng thời kêu gọi các biện pháp chủ động hơn nhằm chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

Châu Âu, nơi Liên hợp quốc cho biết nhiệt độ đang tăng nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, đã trải qua một số lượng ngày càng tăng của các đợt sóng nhiệt nghiêm trọng kể từ đầu thế kỷ này. Các nhà khoa học rằng, biến đổi khí hậu đang khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn.

Mai Đan