Tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá: Thúc đẩy tiến trình vì mục tiêu phát triển bền vững
(TN&MT) - Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là ý kiến của đa số chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại thuốc lá do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng 13/8 tại Hà Nội.
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khoẻ sinh sản cả nam và nữ. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Tại Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.
Đứng trước những tác hại về sức khoẻ, tổn thất về kinh tế mà việc hút thuốc lá gây ra với đối với cá nhân, gia đình và xã hội và môi trường, tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định giải pháp “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.
Đồng thời, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 129/2024/QH15 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Theo đó, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội có ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ hợp thứ 9 (tháng 5/2025).
Theo bà Trần Thị Nhị Thủy - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân chưa đặt như kỳ vọng.
Bà cho rằng, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá cần được thể chế hóa một cách hiệu quả nhất, đóng vai trò là giải pháp chính trong kiểm soát tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay.
Đại diện Bộ Y tế cũng chia sẻ quan điểm của Bộ này đối với thuế thuốc lá tại dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Bộ này ủng hộ và hoàn toàn nhất trí với Bộ Tài chính về một số đề xuất trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhằm thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Kết luận của Bộ Chính trị, Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật, đặc biệt đối với lĩnh vực y tế là Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Tuy nhiên, để bảo đảm bám sát hơn nữa với các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế đối với thuốc lá đến năm 2030 đạt được tỷ lệ 75% theo khuyến cáo của WHO và yêu cầu tại Chiến lược kèm theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế tiếp tục đề nghị không đưa vào Luật này các quy định liên quan đến sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới vì hiện nay còn chưa rõ khái niệm về sản phẩm do chưa có cơ sở pháp lý. Nhiều quốc gia đang cấm kinh doanh các sản phẩm có hại cho sức khỏe này.
Bộ này cũng kiến nghị bổ sung thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp, và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng; tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Cải cách thuế thuốc lá đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá
TS. Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030. Do vậy, TS. Angela Pratt kêu gọi: “Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người dân”.
Theo bà, một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta đang phải đối mặt là thực trạng giá thuốc lá rất rẻ ở Việt Nam. Trong những năm qua, thuốc lá ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân hơn bởi giá của nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều chúng ta cần thay đổi. Tăng thuế thuốc lá là cách nhanh và hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này.
Bà Angela Pratt nhận định, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được đề xuất tại Việt Nam là một bước đi đúng hướng, nhưng chỉ điều này vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc của Chiến lược quốc gia.
Mô hình của WHO cho thấy tới năm 2030, việc áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15.000 đồng/bao thuốc, cộng thêm với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại, sẽ giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, phù hợp với mục tiêu quốc gia. Quan trọng hơn, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, mang lại thêm 29,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2030 so với năm 2020.
“Mức thuế cao hơn này là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO - và chúng tôi mong muốn được làm việc với các nhà hoạch định chính sách trong những tháng tới để trình bày về những bằng chứng và lập luận cho sự thay đổi này”, TS. Angela Pratt nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với bà Trần Thị Nhị Thủy và TS. Angela Pratt về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá, Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng trong bối cảnh tỷ lệ hút thuốc giảm chậm, không đạt các mục tiêu quốc gia và cam kết quốc tế, đồng thời sản lượng và tiêu thụ thuốc lá gần đây có xu hướng tăng nhanh, Việt Nam cần cải cách thuế thuốc lá. Ông đánh giá thuế thuốc lá là biện pháp chính giảm cầu, tăng thuế sẽ làm giảm hút thuốc lá và tăng thu ngân sách.
Nhấn mạnh vai trò của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm thuốc lá, Ths. Đào Thế Sơn, chuyên gia kinh tế kiến nghị Việt Nam nên áp dụng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2026 với thành phần thuế tuyệt đối bổ sung để chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp.
Bên cạnh đó, thành phần thuế tuyệt đối cần tăng hàng năm để chống xói mòn do lạm phát, thu nhập nhằm đảm bảo sức mua thuốc lá giảm. Ngoài ra, để đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá theo chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, cần phải tăng thuế theo lộ trình khuyến cáo của Bộ Y tế và WHO.