Môi trường

Thừa Thiên – Huế: Chủ động phòng, chống thiên tai

Văn Dinh 13/08/2024 - 09:54

(TN&MT) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao tập trung triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để chủ động phòng ngừa và hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai từ nay đến cuối năm 2024.

Theo đó, yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động quán triệt, triển khai phòng ngừa, ứng phó thiên tai, phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng, nhất là trong mùa mưa bão năm 2024 sắp đến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/7/2024; Công điện số 75/CĐ-TTg ngày 04/8/2024 và các văn bản có liên quan; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của nhân dân.

309010762_404565568507964_3390012884900984513_n.jpg
Thiên tai xảy ra vào những tháng cuối năm khiến Thừa Thiên - Huế thiệt hại nặng

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chủ động hơn nữa để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước.

Trước mắt, huy động các lực lượng tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại, khu vui chơi giải trí trên sông, ven sông, suối, ven biển, đầm phá, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét khi mưa lớn; kiên quyết tổ chức di dời ngay đối với những khu vực có nguy cơ rất cao. Chú ý các khu vực đồi núi, khu vực có nguy cơ sạt lở thuộc địa bàn các huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà; các hộ dân ven sông Hương, sông Bồ, nhất là các hộ ở khu vực thấp trũng dễ bị ngập lụt sau các hồ thủy điện, thủy lợi. Đồng thời có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

Khẩn trương chỉ đạo triển khai cắt tỉa cành cây; kiểm tra và có phương án gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn, yêu cầu hoàn thành trước ngày 20/9/2024. Chỉ đạo huy động tối đa công suất của các loại máy gặt; đồng thời có phương án sắp xếp, bố trí máy gặt để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ Hè Thu trong tháng 8/2024, hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/8/2024.

Sở TN&MT, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm công tác theo dõi, dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian vừa qua, tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất, nước dâng,…

Sở NN&PTNT tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Hương, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Văn Dinh