Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình): Giảm nghèo nhờ mô hình nuôi dê
Một trong những tiểu dự án cải thiện sinh kế mà Dự án giảm nghèo của huyện Đà Bắc (Hòa Bình) triển khai tại xã Cao Sơn là mô hình nuôi dê sinh sản.
Triển khai từ đầu năm 2022, đến nay mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung” của xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã mang lại kết quả, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ và khơi dậy động lực thoát nghèo cho hàng trăm hộ dân.
Được hỗ trợ từ dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nuôi dê sinh sản cho 20 hộ dân, hầu hết là người nghèo và cận nghèo và chia ra thành 5 nhóm chăn nuôi tập trung. Mỗi nhóm được hỗ trợ dê giống cấp theo định mức mỗi tổ được 12 trong đó 11 con dê cái và 1 đực. Đồng thời, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vật tư làm chuồng trại, thức ăn ban đầu, thuốc thú y… Cán bộ của tiểu dự án theo sát từng hộ dân để hướng dẫn cách phòng bệnh, chăm sóc dê.
Gia đình ông Đinh Văn Mẹo ở xóm Lập Sơn, nhóm trưởng của nhóm xóm Sơn Lập, chăn nuôi dê tập trung thuộc dự án hỗ trợ sinh kế. Gia đình ông cùng với gia đình ông Đinh Thanh Minh và 2 hộ khác là hộ nghèo ở cùng thôn được cấp 12 con dê để nuôi chung. “Tôi rất vui mừng vì được Nhà nước quan tâm hỗ trợ dê giống để gia đình chăn nuôi, gây dựng kinh tế. Dê là loại dễ nuôi lại chóng lớn, đẻ nhiều nên đàn dê của gia đình tăng số lượng nhanh chóng, Nguồn thức ăn cho nó cũng dễ kiếm, chủ yếu là lá cây, cỏ...Đàn dê của nhóm tôi và bà con phát triển tốt, chưa thấy bị bệnh gì. Chúng đẻ 1 năm 2 lứa, mỗi lứa được 1-2 con”, ông Mẹo cho hay.
Hộ ông Bùi Văn Bưng xóm Lanh hộ cận nghèo cũng được nhận dê từ dự án thuộc nhóm 1. Đến nay, đàn dê đã tăng lên đến 30 con. Ông Bưng và các hộ trong nhóm bán bớt con dê cho người dân trong thôn nhân giống. Vui mừng vì tìm thấy cơ hội thoát nghèo, ông Bưng bày tỏ: “Gia đình tôi chỉ trông chờ có mấy sào ruộng và chỉ đi làm thuê nên cuộc sống khó khăn. Nhờ được Nhà nước cấp dê để nuôi cải thiện đời sống, gia đình đã có tiền để sắm ti vi, xe máy”.
Ông Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch xã Cao Sơn cho biết, mô hình nuôi dê của các nhóm chăn nuôi tập trung của các hộ gia đình đã đem lại kinh tế khá cao. Từ hiệu quả kinh tế của gia đình ông Bưng, mà trong xã đã có nhiều hộ dân chọn loại vật nuôi này. Ngoài thành công với mô hình nuôi dê, ông Bưng còn giúp một số hộ dân khác trong xã về con giống, kỹ thuật nuôi, nên từ đó mô hình nuôi được nhân rộng.
Chính mô hình này đã giúp cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Hiện nay, đầu ra mô hình nuôi dê khá ổn định do nhu cầu của thị trường khá nhiều, nhờ vậy thu nhập của nhiều hộ nông dân được nâng cao hơn. Để có thể tiếp sức, trợ lực hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, năm nay UBND xã Cao Sơn tiếp tục xây dựng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi dê tập trung”. Theo đó, địa phương có sự lựa chọn những hộ cần giúp đỡ là những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chí thú làm ăn, nhiệt tình và tích cực tham gia vào hoạt động sản xuất, để hỗ trợ thực hiện mô hình một cách công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận từ phía người dân - ông Xuân cho hay.
Lãnh đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đà Bắc cho biết: “Những năm gần đây phong trào nuôi dê trên địa bàn huyện Đà Bắc mang lại hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ theo các dự án, người dân cũng chọn loại vật nuôi này để phát triển kinh tế gia đình. Chúng tôi cũng thường xuyên kết hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để các hộ dân có thêm kinh nghiệm chăm sóc, vỗ béo đàn dê. Mới đây trong hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ, huyện cũng đã xác định dê là loại vật nuôi chủ lực của huyện trong thời gian tới”.
Có thể khẳng định, mô hình chăn nuôi dê sinh sản tập trung được triển khai tại xã Cao Sơn đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn. Cùng đó, việc phát triển giống dê lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng sinh sản tốt cũng sẽ giúp người dân yên tâm mở rộng mô hình, tạo thương hiệu cho địa phương, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình.