Kon Tum: Tăng cường phòng, chống thiên tai, động đất
(TN&MT) - UBND tỉnh Kon Tum vừa có Công văn số 2833/UBND-NNTN gửi các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động.
Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị tại Công văn số 10794-CV/VPTW ngày 05/8/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động và chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Kon tum tại Công văn số 6724-CV/VPTU ngày 08/8/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai, động đất, tai nạn lao động, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, động đất, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Đồng thời, các sở, ban ngành, đơn vị và UBND các địa phương khẩn trương rà soát để bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, động đất, tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, tai nạn lao động; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động dẫn đến các vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng theo thẩm quyền, quy định.
UBND tỉnh Kon Tum còn yêu cầu Sở TN&MT, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, UBND huyện Kon Plông theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương khi vào tỉnh Kon Tum thực hiện công tác khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đang gặp hiện tượng động đất kích thích để xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, mức độ rủi ro để cập nhật bổ sung, xây dựng các phương án ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi rủi ro xảy ra.