Doanh nghiệp - doanh nhân

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dịch chuyển sản xuất xanh

Nguyễn Hiền 11/08/2024 - 08:07

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh và các yêu cầu khắt khe của các Tập đoàn đa quốc gia khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang từng bước dịch chuyển xanh trong sản xuất, nhà máy xanh, năng lượng xanh, nguyên liệu thân thiện môi trường.

Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng gia tăng

Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng xanh tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Người tiêu dùng hiện nay quan tâm nhiều hơn đến tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, sự thay đổi này vừa là cơ hội vừa là thách thức khi phải sản xuất, cung ứng hàng hoá theo các tiêu chí xanh, sạch, minh bạch thông tin sản phẩm để thu hút người tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho doanh nghiệp Việt để nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

1(2).jpg
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ buộc phải chuyển đổi trong sản xuất

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương tạo thành cơ sở để đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt muốn tham gia vào “sân chơi” toàn cầu thì tiêu chuẩn về xanh hoá buộc phải đáp ứng bên cạnh những điều kiện cơ bản như xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Trong thời gian tới, xu hướng tiêu dùng xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Vì thế, doanh nghiệp cần có sự dịch chuyển sản xuất xanh để bắt kịp nhu cầu thị trường, đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp phát triển bền vững. Không chỉ vậy, xanh hoá sản xuất còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội, nhằm chung tay bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thông kê cho biết, trên 30% doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ của cả nước nói chung vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% sử dụng thiết bị bán tự động. Đáng chú ý, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã nỗ lực chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã nhận được chứng chỉ quản lý hệ thống chất lượng IATF 16949 (tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng trong ngành công nghiệp ô tô) và đủ điều kiện tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

2(1).jpg
Còn nhiều khó khăn trong việc phát triển điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp

Nỗ lực chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư bài bản về công nghệ, trang thiết bị sản xuất để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh, phát triển bền vững, điển hình như Công ty Máy tính Thánh Gióng. Theo ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết, Công ty đã đầu tư công nghệ và cơ sở hạ tầng, tập trung xây dựng thương hiệu máy tính Thánh Gióng "Make in Vietnam”. Qua đó, khẳng định uy tín, chất lượng và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang chuyển đổi xanh bằng nhiều giải pháp. Có thể kể đến như lắp thiết bị để sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải…

Tại Công ty TNHH Dụng cụ AN MI đã thực hiện một số giải pháp như gia tăng diện tích cây xanh, sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời toàn bộ mái nhà xưởng để sản phẩm sử dụng năng lượng xanh, giảm thiểu tái chế bằng cách nâng cao hiệu suất sản xuất.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chuyển đổi xanh tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mang lại rất nhiều lợi ích. Không những đáp ứng các tiêu chí xanh của khách hàng mà còn giảm thiểu chi phí và đảm bảo ổn định sản xuất trước những biến động bất ngờ từ thị trường. Như trong mùa nắng nóng có thể diễn ra tình trạng thiếu điện cho sản xuất, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái tại các nhà xưởng, khu công nghiệp là giải pháp được quan tâm.

Có thể thấy, năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời mái nhà là bước đầu tiên, quan trọng nhất trong việc chuyển đổi sang phát triển vững của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và của cả khu công nghiệp nói chung để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc lắp đặt điện mặt trời hiện còn nhiều vướng mắc về chính sách, cơ chế, pháp lý. Điều này khiến sự chuyển đổi diễn ra chậm so với tiến độ mong muốn của khu công nghiệp.

Thêm nữa, mỗi khu công nghiệp lại có những quy định khác nhau về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Nhiều chuyên gia bày tỏ sự quan ngại khi thủ tục lắp đặt còn rườm rà khiến việc xin phép tốn nhiều thời gian, công sức của doanh nghiệp.

So với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuân lợi để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã, đang và sẽ dành nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung khai thác, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường.

Nguyễn Hiền