Hoàn thiện pháp luật nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản
(TN&MT) - Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản. Điểm mới mang tính đột phá của Luật là sự thay đổi cơ bản cơ chế quản lý khoáng sản thông qua các quy định về tài chính, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số thách thức trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý trữ lượng địa chất.
Quá trình triển khai Luật Khoáng sản hiện hành diễn ra trong điều kiện khai thác khoáng sản ngày càng khó khăn hơn ở các dự án xuống sâu, địa bàn phức tạp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường ngày càng tăng, suất đầu tư tăng năm sau cao hơn năm trước, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động khoáng sản; tài nguyên dần trở thành nguồn lực khan hiếm, là đối tượng tiềm ẩn hoạt động khoáng sản trái phép...
Điều này đã đặt ra yêu cầu, thách thức ngày càng lớn đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản; quản lý trữ lượng địa chất, cần có quy định chặt chẽ, cụ thể đảm bảo việc tránh tổn thất tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời làm cơ sở kiểm soát chặt chẽ tài sản của nhà nước ngay cả khi đã cấp quyền khai thác cho các tổ chức, cá nhân.
Bất cập trong phê duyệt trữ lượng khoáng sản
Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, đặc thù của hoạt động khoáng sản mang yếu tố kỹ thuật là chủ yếu, định dạng bởi phạm vi không gian, không thể định lượng đến con số tuyệt đối. Quy định hiện hành về thăm dò, phân cấp trữ lượng, tài nguyên, trữ lượng là con số tương đối; cấp trữ lượng cao nhất (111) vẫn cho phép sai số đến 20%).
Sau khi khai thác khoáng sản (trữ lượng địa chất được đưa ra khỏi lòng đất, không còn ở trạng thái tự nhiên), số liệu thực tế lấy được mang đi sử dụng được gọi là “Sản lượng khai thác thực tế” mới có thể cân, đo, đong đếm chính xác. Việc cấp quyền khai thác khoáng sản bản chất là cấp trữ lượng địa chất mà trữ lượng này được phép sai số ngay cả khi ở cấp trữ lượng cao nhất (111), làm gia tăng sản lượng, vượt công suất khai thác khi tham chiếu với trữ lượng trong lòng đất.
Đây cũng là vấn đề bất cập và không đảm bảo thực tiễn, khách quan khi đối chiếu với quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự năm 2015 để xác định thuộc trường hợp “Không đúng với nội dung giấy phép” và quy giá trị “Thu lợi bất chính”.
Về chỉ tiêu tính trữ lượng đối với khoáng sản nói chung và than nói riêng, hiện nay công nghệ khai thác đã có nhiều thay đổi, cho phép có thể huy động trữ lượng địa chất vào khai thác với chiều dày tối thiểu của vỉa than đến 0,3 mét và độ tro hàng hóa lên đến 60%. Trong khi Quyết định số 157/QĐ-HĐTL ngày 19/5/2008 của Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia quy định chiều dày tối thiểu của vỉa 0,8 mét (khai thác thác hầm lò), 1 mét (khai thác lộ thiên) và độ tro hàng hóa tối đa 40%; không thay đổi so với chỉ tiêu tính trữ lượng đã được xây dựng quy định từ rất lâu (năm 1977) trước khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực.
Việc chưa có quy định phù hợp trong Luật và vẫn căn cứ vào chỉ tiêu tính trữ lượng như nêu trên để phê duyệt các báo cáo kết quả thăm dò than thực tế đến nay không còn phù hợp với diễn biến khai thác thực tế cả về điều kiện địa chất, công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển, chất lượng sản phẩm than thương phẩm, điều kiện sử dụng và nhu cầu của thị trường tiêu thụ và yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản hiện nay.
Về việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, theo quy định hiện hành, các đơn vị khai thác khoáng sản phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa; Lập bản đồ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác, thông kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và quy trình, phương pháp, biểu mẫu để xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế. Ngoài ra phải lập sổ sách, chứng từ, tài liệu về kỹ thuật và về tài chính,…
Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của công tác quản lý, kiểm soát theo quy định nêu trên vẫn chưa thực sự cao, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quyết toán, thống kê, kiểm kê trữ lượng mỏ. Cụ thể, đối với trạm cân thì chưa có quy định cụ thể về việc giám sát quản lý theo trạm cân, kết nối dữ liệu, đầu tư dự án kết nối hiệu quả không cao rủi ro về tài sản nhà nước, trách nhiệm của doanh nghiệp chưa có,…; sản lượng một số loại khoáng sản không tính theo số liệu qua trạm cân như cát, sỏi, đá, nước nóng - khoáng, đất sét,….; chế tài công tác đo vẽ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng chưa đủ tính răn đe, không phù hợp với loại cát, sỏi lòng sông,…
Nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản, theo kịp thực tiễn phát triển
Trước một số bất cập nêu trên, Cục Khoáng sản Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong triển khai quy định pháp luật về khoáng sản.
Theo đó, đổi mới công tác tuyên truyền, học tập nâng cao nhận thức về hoạt động khoáng sản: Tăng cường các cuộc đối thoại trực tiếp, hoặc trực tuyến (trên các phương tiện thông tin đại chúng) giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp, cá nhân, giải đáp các thắc mắc, tiếp thu những thiếu sót để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Thiết lập cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để nhân dân tham gia hoặc hỗ trợ đắc lực cho việc giám sát, quản lý tài nguyên, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi gây suy thoái tài nguyên.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và cơ chế quản lý, sử dụng tài nguyên phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới nhất là chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Cụ thể, rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách về tạo nguồn thu ngân sách, chia sẻ lợi ích với các bên liên quan dựa trên nguyên tắc người hưởng lợi từ tài nguyên phải trả tiền; về áp dụng các công cụ kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên, đặc biệt là các chính sách thuế, phí, lệ phí; về khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, khai thác, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, vật liệu tái chế trong hoạt động sản xuất và dịch vụ.
Có cơ chế giải quyết tranh chấp, xung đột lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Việc đổi mới cơ chế, chính sách quản lý tài nguyên phải đồng bộ với chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các định hướng, chỉ đạo của Trung ương theo tinh thần của Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực hiện cấp phép hoạt động khoáng sản tuân thủ các quy định của pháp luật, đảm bảo theo đúng quy hoạch khoáng sản. Thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác khoáng sản; trả lại các khu vực đất không còn nhu cầu sử dụng để thực hiện quy hoạch sử dụng đất và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, chú trọng công tác kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về khoáng sản ở các cấp. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên ở Trung ương và địa phương. Khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp không phù hợp. Tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao về quản lý tài nguyên góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.