Biển đảo

Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau - Bài 3: Nhà màng ở An Bang, Tiên Nữ

Nguyễn Hiệp 08/08/2024 13:05

Nỗ lực phủ xanh và sạch hóa các nguồn năng lượng thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng và gìn giữ lâu bền biển đảo của đất nước, bởi vậy từng giọt mồ hôi các kỹ sư, chiến sĩ đổ xuống Trường Sa hôm nay mang ý nghĩa nền tảng lớn lao cho mãi ngàn sau.

truongsa-3.jpg

Ngay từ khi tập kết ở khách sạn Navy - Trường Sa và Kho Quân khí 858 vào ngày 12/5/2024, Đoàn công tác số 20 đã được Ban Tổ chức thông báo “hải trình từ trái tim” ra Trường Sa lần này gồm các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Len Đao, An Bang, Đá Tây C, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/16 - Phúc Tần. Vậy mà mỗi lần đặt chân ghé thăm một đảo, với tôi, là mỗi lần háo hức và dâng ngập bao cảm xúc mới lạ. Đến thăm đảo An Bang chỉ trong một buổi mà trong tôi đọng lại biết bao ấn tượng. (Đảo An Bang cách đảoTrường Sa Lớn 75 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi Thuyền Chài hơn 20 hải lý về phía Tây Nam. Tọa độ địa lí ghi trên bia chủ quyền đảo An Bang là 7°52’0’’B 112°54’30’’Đ).

3.-ca-no-vao-dao-an-bang-kho-khan.jpg
Ca nô vào đảo An Bang

Chuyện là khi chiếc hạm 571 - Trường Sa thả neo, chúng tôi lần lượt xuống thuyền nhỏ (gọi là ca nô) vào đảo An Bang. Đây là một đảo đẹp, được tôn vinh là “Nàng tiên nữ giữa trùng khơi”. Rời khỏi chiếc hạm 571 - Trường Sa, 3 chiếc ca nô rẽ sóng gần tới cầu tàu nhưng chiến sĩ cầm cờ hiệu semaphore vẫn chưa mở cờ phát tín hiệu. Sau mấy vòng số 8 ngập ngừng mở cờ lại lập tức định cờ, giơ hai lá cờ hiệu cao trên đầu kết thúc lệnh. Chưa có tín hiệu mã hóa từ hai lá cờ ấy nghĩa là không được vào đảo. Quả thật, bằng mắt thường, chúng tôi cũng thấy những con sóng lớn đang dạt ngang, nguy cơ lật ca nô là rất lớn. Chiếc ca nô có tôi ngồi phải đến 5 lần vòng ra vòng vào, tài công phải rồ hết ga lướt sóng để khỏi lật. Nếu không có áo phao và túi ni lông bọc máy móc chắc chúng tôi bị ướt nhèm vì những con sóng chướng phủ chụp từ trên xuống và cả những con sóng biến động độ dài từ 25 - 30m đánh bạt từ trái sang.

An Bang đẹp nhưng khó vào đảo, ngày trước còn có đội chiến sĩ xung kích bơi ra chụp dây kéo thuyền vào từ phía bãi cát, không thì không vào được, giờ có cầu tàu cũng đỡ vất vả mà còn khó khăn như thế. Vào đảo khó như vậy nhưng bù lại, chúng tôi được anh em cán bộ, chiến sĩ đón tiếp rất trân quý, thân tình.

3.-bai-cat-tren-dao-an-bang.jpg
Bãi cát trên đảo An Bang

“An Bang đẹp, bãi cát cứ xoay quanh đảo theo mùa như chiếc kim đồng hồ lớn lấp lánh, chúng tôi thường nhìn “chiếc kim” này giáp vòng tức một năm đã trôi qua” - một chiến sĩ nói với chúng tôi như vậy. Trong mắt tôi, quả thật An Bang là một thiên đường xanh và tôi cũng hiểu, màu xanh ấy được tạo nên bởi mồ hôi nước mắt của biết bao người con yêu nước mình!

box1(2).jpg

Khi ngồi uống trà trò chuyện trên đảo, thấy tôi hết lời ca ngợi vẻ đẹp của đảo, Tiến sĩ Ngô Xuân Chinh phân tích: So với Song Tử Tây thì khí hậu đảo An Bang cũng khắc nghiệt không thua gì! Song Tử Tây nằm giữa hai đới khí hậu, cả đới Bắc và đới Nam, vừa gió mùa Đông Bắc vừa gió mùa Đông Nam nên quanh năm đều có sóng gió “cực đoan”. An Bang không chỉ thời tiết khắc nghiệt lại còn nằm trên nền một khối đá san hô hình nấm nên ngoài bãi cát ra, chung quanh đều là vực sâu, nguy hiểm hơn. Các đảo đều có điểm chung là bị táp đưa nước mặn vào sâu bên trong, đến mức các chiến sĩ phải thường xuyên khóa van ống máng hứng nước mưa, không thì nước mặn vào đầy hồ chứa. Táp ở đảo rất kinh hoàng, sóng cao mấy cả chục mét, gió mạnh đánh bạt vào hàng mấy trăm mét, cây cối bị phủ nước mặn không chịu nổi, rụng lá hàng loạt, chính vì vậy mà khi chọn giống cây trồng phải chọn những cây có tính “ngủ đông” để sau đó nảy mầm lại, không thì cây chết ngay sau mùa táp. Chúng tôi thật sự quan sát thấy cây bên phải đường băng xanh tốt hơn bên trái. Tiến sĩ Chinh giải thích đó là do táp, bên trái đường băng có những hàng cây phải trồng đi trồng lại 4, 5 lần. Cây còn yếu mà bị táp khác nào đổ lên cây một xô nước muối, hỏi sao không chết?!

Tiến sĩ Chinh dẫn chúng tôi đi xem 3 nhà màng ở đảo An Bang, là những nhà màng mà ông cho là bản thân mình và cả nhóm đều rất tâm huyết. Tâm huyết vì xây lắp cải tiến nhiều lần. Và cũng tâm huyết vì năng suất rau ở đây rất cao. Mở cửa bước vào, chúng tôi sững sờ khi thấy trước mắt mình là những luống, những khay rau xanh mướt với nhiều thứ rau trái: Bầu bí, dưa hấu, mướp, cải xanh, cải ngọt, mùng tơi, rau muống, rau dền, hành, ớt… Nhiều chiến sĩ đang “ca trực” chăm sóc rau xanh cười rất tươi, nhẹ nhàng nâng cho chúng tôi xem những trái dưa hấu phổng phao, những nhánh ớt trĩu quả, những lá cải bẹ xanh tươi tốt được chăm sóc kỹ lưỡng.

3.-nha-mang.jpg
Nhà màng

Đây là những công trình lắp đặt, trồng thành công ban đầu của Tiến sĩ Chinh và đồng nghiệp được các chiến sĩ trân quý tiếp quản, tiếp tục gieo trồng, tưới tắm, chăm sóc. Nhà màng thế hệ cải tiến thứ năm được làm từ những thanh sắt nhúng kẽm hai lần, hạn chế tối đa các mối hàn, tất cả được quây, lợp tôn nhựa và lưới ni lông cao cấp nhập từ Israel về. Khi thi công nhà màng ở các đảo cũng rất cam go, tất cả các máy móc đều mang theo 2 cái, nếu lỡ hư cháy thì có cái mà thay, không thì công cốc, không xoay xở được giữa bốn bề là đại dương này. Xi măng, cát, đá, sắt thép, nước ngọt, các chế phẩm trồng cây, tất tần tật đều phải đóng thùng đóng hộp mang từ đất liền ra. Khi xây dựng phải tính toán thiết kế sao cho nhà màng chịu đựng được gió giật cấp 12, gió giật cấp mở rộng từ 13 đến 14, 15, tức biển có sóng mù, cây lá lay động mạnh thì tháo bớt một số bộ phận như màng, mái, còn siêu bão thì đương nhiên là phải tháo tung hết đem cất và ôm các khay rau vào nhà đóng cửa lại. Kinh nghiệm mồ hôi nước mắt từ đảo Song Tử Tây khi bị cơn siêu bão năm 2020, tất cả đã bị tàn phá, phải làm lại từ đầu. “Thực tế điều kiện thời tiết ở hầu hết các đảo trong mùa biển động, người, rau và thú nuôi ở chung với nhau trong nhà, cửa đóng kín mấy ngày liên tục, ở bên ngoài không thứ gì chịu nổi… Chuyện thường ngày ở đảo là vậy!” - Trung tá Hải quân Hoàng Xuân Quang tham gia câu chuyện với chúng tôi như thế.

3.-trong-rau-tren-dao-len-dao.jpg
Trồng rau trên đảo Len Đao

Khi được hỏi “Trong bao nhiêu năm đi lắp đặt nhà màng trồng rau khắp các đảo thì việc lắp đặt ở đảo nào là khó khăn nhất?”, Tiến sĩ Chinh cho biết: “Đảo An Bang khó nhưng đảo Đá Tây còn khó hơn. Đá Tây toàn bộ nền là cát san hô mới, độ nhiễm mặn còn cao lại không có khả năng giữ nước khi mưa. Nghiên cứu mãi, cuối cùng chúng tôi phải quyết mang thêm xi măng, cát, đá ra xây bể ngầm kiên cố ngay dưới nền nhà màng trồng rau để thu gom tối đa lượng nước mưa. Nguồn nước mưa dự trữ này không chỉ để tưới rau, tưới cây, cho gia súc uống mà còn giải nhiệt trong mùa nắng cháy”.

Đến gần nhà màng trồng rau, chúng tôi gặp Đại tá Đỗ Minh - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, ông cũng đang đi xem các chiến sĩ trồng rau. Ông rất tâm đắc với công trình nhà màng trồng rau và khen Tiến sĩ Ngô Xuân Chinh cùng cộng sự đã đổ xuống đây bao nhiêu mồ hôi nước mắt mới có những nhà màng kiên cố và những vườn rau xanh mướt như thế này. Ông Tiến sĩ vốn quen làm không quen nói này được khen bỗng đỏ mặt như ngượng ngập: “Cảm ơn anh! Tất cả chúng ta cùng chung những nỗ lực xanh sạch hóa Trường Sa mà anh!”. Đúng là những con người hết lòng vì Trường Sa thân yêu! Tôi thầm nghĩ và thán phục những con người bình dị đang đứng quanh tôi hôm nay. Tôi chợt nhớ một khổ thơ nổi tiếng trong bài “Meditation XVII” của nhà thơ John Donne:

“Không ai là hòn đảo

Hoàn toàn chỉ riêng mình

Mỗi người là một mẩu của lục địa

Một mảnh của đại dương”.

Đúng là như thế! “Nàng tiên nữ An Bang” không hề lẻ loi, “Nàng” là một phần máu thịt của Việt Nam, luôn được cả nước quan tâm, yêu thương, bảo vệ và chăm sóc chu đáo.

Nguyễn Hiệp

(Thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)

Trình bày: Dũng Thi

Bài 4: Nước ngọt từ biển và nước ngọt từ trí tuệ

untitled-1.jpg
Đảo An Bang

Nguyễn Hiệp