Biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu khiến bão mạnh hơn và tàn phá hơn

Mai Đan = Tổng hợp từ Reuters 08/08/2024 - 11:25

(TN&MT) - Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu đang thúc đẩy các cơn bão mạnh hơn và tàn phá hơn.

Nhận định trên được đưa ra vào thời điểm bão Debby đổ bộ khu vực Big Bend của Florida (Mỹ) vào ngày 5/8 với cường độ bão cấp 1. Theo các nhà dự báo của Mỹ, đây có thể là cơn bão góp phần vào mùa bão “bận rộn” ở Đại Tây Dương trong năm nay. Cơn bão Debby dự kiến sẽ gây ra những trận mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng kéo dài nhiều ngày khắp vùng Đông Nam Mỹ. Năm ngoái, bão Idalia đạt đến cường độ cấp 4, đồng thời tấn công vào khu vực Big Bend và gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến bão không?

Biến đổi khí hậu đang làm cho các cơn bão mang nhiều hơi nước hơn, nhiều gió hơn và dữ dội hơn. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu khiến bão di chuyển chậm hơn, tức là bão có thể đổ nhiều nước hơn vào một chỗ.

Bão cần hai thành phần chính - nước biển ấm và không khí ẩm ướt. Khi nước biển ấm bốc hơi, năng lượng nhiệt của nó được truyền vào khí quyển. Điều này thúc đẩy gió của cơn bão mạnh lên. Nếu không có nó, bão không thể mạnh lên và sẽ tan biến.

Nếu không có đại dương, hành tinh này sẽ nóng hơn nhiều do biến đổi khí hậu. Nhưng trong 40 năm qua, đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa bị giữ lại do khí thải nhà kính. Phần lớn lượng nhiệt đại dương này được chứa gần bề mặt nước. Lượng nhiệt bổ sung này có thể thúc đẩy cường độ của cơn bão và tạo ra sức gió mạnh hơn.

Biến đổi khí hậu cũng có thể làm tăng lượng mưa do cơn bão mang lại. Vì bầu khí quyển ấm hơn có thể giữ nhiều độ ẩm hơn nên hơi nước tích tụ cho đến khi mây tan, gây ra mưa lớn.

Theo một nghiên cứu vào tháng 4/2022 trên tạp chí Nature Communications, trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2020, một trong những mùa bão hoạt động mạnh nhất từng được ghi nhận, biến đổi khí hậu đã làm tăng lượng mưa hàng giờ trong các cơn bão lên từ 8% đến 11%.

Thế giới đã ấm lên 1,1oC so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học tại Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán, khi nhiệt độ tăng thêm 2oC, tốc độ gió của bão có thể tăng đến 10%. NOAA cũng dự báo tỷ lệ bão đạt đến mức dữ dội nhất - cấp 4 hoặc 5 - có thể tăng khoảng 10% trong thế kỷ này. Cho đến nay, chưa đến 20% các cơn bão đã đạt đến cường độ này kể từ năm 1851.

Xu hướng đáng lo ngại

Theo cơ quan này, tại Mỹ, Florida là nơi có nhiều cơn bão đổ bộ nhất, với hơn 120 lần đổ bộ trực tiếp kể từ năm 1851. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số cơn bão cường độ cao đã đổ bộ xa hơn về phía Bắc Mỹ so với trước đây. Theo nhà khoa học khí quyển Allison Wing tại Đại học Bang Florida (Mỹ), xu hướng này đang gây lo ngại cho các thành phố ở vĩ độ trung như New York, Boston, Bắc Kinh và Tokyo, nơi mà "hạ tầng không được chuẩn bị" cho các cơn bão như vậy.

em2drl3x65klbmcpdavtlnwsyy(1).jpg
Giáo viên trường học Roy Ross, 49 tuổi, đi bộ trên con đường ngập lụt sau khi bão Idalia quét qua Playa Majana, Cuba

Bão Sandy, mặc dù chỉ là bão cấp 1 nhưng là cơn bão gây thiệt hại nhiều thứ 4 trong lịch sử Mỹ, ước tính tổn thất 81 tỷ USD khi nó đổ bộ vào bờ biển Đông Bắc Mỹ năm 2012.

Về thời gian, hoạt động bão thường diễn ra ở Bắc Mỹ là từ tháng 6 - 11. Sau khi nhiệt độ nước ấm tích tụ trong mùa Hè, những cơn bão dữ dội nhất sẽ diễn ra vào tháng 9. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 8 trên tạp chí Nature Communications, các cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Mỹ đã xảy ra sớm hơn 3 tuần so với năm 1900. Bão Beryl, hình thành ở Đại Tây Dương vào tháng 6, là cơn bão cấp 5 sớm nhất từng được ghi nhận.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports vào năm 2021, xu hướng tương tự dường như đang diễn ra ở Vịnh Bengal ở châu Á. Tại đây, kể từ năm 2013, các cơn bão đã hình thành sớm hơn bình thường, vào tháng 4 và tháng 5.

Mai Đan = Tổng hợp từ Reuters