Xã hội

Tủa Chùa (Điện Biên): Nông dân thi đua lao động sản xuất

Hoàng Châu 08/08/2024 - 11:19

(TN&MT) - Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là một trong những phong trào thi đua được các cấp Hội nông dân huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện sâu rộng trong những năm qua. Phong trào đã thực sự tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên giảm nghèo và làm giàu trong hội viên, nông dân trên địa bàn huyện.

Bà Lò Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tủa Chùa, cho biết: Hội Nông dân huyện Tủa Cùa hiện có 7.577 hội viên, thời gian qua hội đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo không khí thi đua sôi nổi, giúp nhiều hội viên nông dân vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.

Đồng thời, Hội đã tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện chương trình vốn vay ủy thác, tạo điều kiện cho hơn 2.027 lượt hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 123 tỷ đồng. Nhiều hội viên, nông dân đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả và vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các cấp hội phối hợp với trung tâm hỗ trợ nông dân tỉnh mở 01 lớp tập huấn kiến thức nông nghiệp cho 80 học viên tại xã Lao Xả Phình. Mở 02 lớp cho hội viên nông dân với 140 tham gia về kiến thức sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, hướng dẫn các hội viên nông dân thành lập các mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp, tổ nghề nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật…

a1.jpg
Nhiều hộ gia đình ở Tủa Chùa thoát nghèo từ mô hình nuôi dê

Đồng thời, hội nông dân huyện phát động phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình thông qua các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Trong đó thành lập chi hội chăn nuôi dê và tổ hội nghề nghiệp làm bánh dầy, làm giấy và làm hương của đồng bào dân tộc Mông. Hiện nay toàn huyện có 19 chi hộ và 31 tổ chi hội nghề nghiệp.

Từ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, các hội viên đã tích cực thi đua lao động sản xuất; linh hoạt, sáng tạo trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích cực tham gia các loại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong 6 tháng đầu năm toàn huyện có 585 hộ nông dân đăng ký hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, những năm qua, nông dân huyện Tủa Chùa đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

a2.jpg
Mô hình chăn nuôi bò của nông dân xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa

Trước đây, kinh tế gia đình ông Cà Văn Vinh, hội viên nông dân bản Ðun Nưa, xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa, cho biết: Chỉ dựa vào hơn 1.000m2 lúa, gia đình đông người nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân xã để xây dựng chuồng trại và mua giống gia súc, gia cầm về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn chăn nuôi, ông Vinh còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi.

Từ kiến thức được học cùng với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, đàn vật nuôi của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình ông Vinh đang nuôi hơn 20 con dê, gần 100 con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi mang đến cho gia đình ông thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào trọng tâm, Hội Nông dân huyện Tủa Chùa đã thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân đổi mới tư duy, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm; khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Hoàng Châu