Nỗ lực cứu hộ và bảo tồn chim Hồng Hoàng trước nguy cơ tuyệt chủng
Thời gian gần đây, vấn đề buôn bán trái phép chim Hồng Hoàng đã trở thành mối lo ngại lớn đối với công tác bảo tồn động vật hoang dã. Trong bối cảnh đó, Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã Hà Nội đã không ngừng nỗ lực cứu hộ, bảo tồn, ứng dụng công nghệ để bảo vệ các loài động vật hoang dã nói chung và chim Hồng Hoàng nói riêng, nhằm theo dõi và ngăn chặn các hành vi buôn bán trái phép, cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác cứu hộ các loài động vật.
Nạn buôn bán trái phép tăng cao
Chim Hồng Hoàng tên khoa học là Buceros bicornis, thuộc họ hồng hoàng, bộ sả, lớp chim. Hồng hoàng sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, thuộc nhóm Ib - các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tại Việt Nam, nhiều vùng vẫn còn chim hồng hoàng tự nhiên, nhưng nạn buôn bán trái phép khiến loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội, tình hình buôn bán chim Hồng Hoàng ngày càng gia tăng. Trên thị trường, những con chim Hồng Hoàng quý giá được rao bán với giá lên tới 30 triệu đồng mỗi con, một con số không hề nhỏ so với thu nhập trung bình của người dân.
Nạn săn bắt và buôn bán trái phép không chỉ gây tổn hại cho bản thân các loài chim mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ sinh thái. Sự suy giảm số lượng chim có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và sự sinh trưởng của các loài động vật khác.
Áp dụng công nghệ để bảo vệ Chim Hồng Hoàng
Để bảo vệ chim Hồng Hoàng mỏ cát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực trong công tác bảo tồn loài chim này. Việc tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sẽ góp phần ngăn chặn nạn buôn bán trái phép.
Trong đó, Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội, thời gian vừa qua đã và đang cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn 15 chim Hồng Hoàng trưởng thành, góp phần tích cực vào hạn chế việc săn bắt, buôn bán, giết thịt động vật hoang dã trái phép và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực chăm sóc và tái thả động vật, năm ngoái, trung tâm đã thử nghiệm thiết bị giám sát sử dụng năng lượng mặt trời để theo dõi chim Hồng Hoàng sau khi được thả về tự nhiên.
Theo Chuyên gia Harold Browning– Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) cho biết: Việc áp dụng những thiết bị này hoàn toàn có khả năng giúp chúng tôi giám sát kết quả cứu hộ, theo dõi thời gian sống sót và di chuyển của chim Hồng Hoàng. Việc áp dụng công nghệ là rất cần thiết, vì nếu không chúng tôi không thể vào rừng tìm kiếm và theo dõi từng cá thể.
“Bên cạnh đó, thông qua các thiết bị định vị, chúng tôi có thể hiểu hơn về hành vi động vật cũng mang lại cho chúng tôi nhiều thông tin hữu ích. Ngoài ra, khoa học về hành vi động vật cũng cung cấp cho chúng tôi nhiều ý tưởng. Ví dụ, khi thiết kế chuồng trại, chúng tôi luôn quan sát hành vi tự nhiên của loài đó để biết chúng cần gì, cần độ cao, độ rộng ra sao, rồi mới tìm cách đáp ứng trong điều kiện cho phép. Những điều nhỏ nhặt như vậy, nhưng cần sự nghiên cứu liên tục để tìm ra giải pháp tối ưu cho các loài động vật hoang dã được cứu hộ hiện nay”, ông Harold Browning nói.
Việc áp dụng công nghệ để bảo vệ động vật hoang dã chung và chim Hồng Hoàng nói riêng đang trở nên ngày càng cần thiết. Không chỉ gia tăng hiệu quả quản lý các cá thể tái thả về tự nhiên mà còn giúp cho các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia theo dõi hành vi và số lượng động vật hoang dã trong tự nhiên để phát hiện các mối đe dọa kịp thời.
Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức trung tâm cứu hộ bảo vệ động vật hoang dã, người dân cũng cần phải nâng cao nhận thức góp phần chung tay bảo vệ động vật hoang dã trước những mối đe dọa của nạn săn bắt và buôn bán trái phép ở nước ta.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ. Cụ thể, trung tâm đã tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước 51 vụ, với 310 cá thể và gần 30kg rắn các loại. Đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm khám bệnh định kỳ 8 đợt cho hơn 1.400 lượt động vật, điều trị 47 đợt cho 489 cá thể động vật hoang dã mắc các bệnh về viêm xương khớp, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm trùng vết thương, co giật thần kinh...