Thế giới

Nắng nóng kỷ lục ở Nam Cực: Mối nguy cho lục địa và sức khỏe hàng triệu người

Mai Đan 06/08/2024 - 14:56

(TN&MT) - Một đợt nắng nóng phá kỷ lục diễn ra vào thời điểm lạnh nhất ở nơi lạnh nhất Trái Đất khiến các nhà khoa học lo ngại về tác động của nó đối với sức khỏe trong tương lai của lục địa Nam Cực và hậu quả mà nó có thể gây ra cho hàng triệu người trên toàn cầu.

Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam Cực

Kể từ giữa tháng 7, nhiệt độ tại một số khu vực của Nam Cực đã tăng khoảng 10 độ C so với bình thường ở một số khu vực của Nam Cực và thời tiết ấm bất thường có thể tiếp tục kéo dài trong nửa đầu tháng 8. Dữ liệu mới nhất cho thấy ở các khu vực miền Đông Nam Cực - nơi đang diễn ra những điều kiện bất thường nhất, với mức nhiệt thường trong khoảng từ âm 50 đến âm 60 độ C, hiện đã tăng lên gần âm 25 đến âm 30 độ C.

Nhiệt độ nóng như mùa Hè vào mùa Đông, ngay cả khi phần lớn lục địa vẫn dưới mức đóng băng, là hiện tượng đáng báo động tại địa điểm có khả năng làm gia tăng mực nước biển nghiêm trọng hơn bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

gettyimages-2147738758.jpg

Nhà nghiên cứu khí tượng học David Mikolajczyk tại Trung tâm Nghiên cứu và Dữ liệu Khí tượng Nam Cực thuộc Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) cho biết, có khả năng sẽ có nhiều đợt sóng nhiệt như thế này xảy ra trong những mùa Đông tới và điều này có thể khiến lục địa băng giá dễ bị tổn thương hơn khi băng tan chảy trong các đợt sóng nhiệt tiếp theo.

Trao đổi với CNN, ông Mikolajczyk cho rằng, việc gia tăng lượng băng tan tại Nam Cực cũng có khả năng thay đổi các dòng hải lưu toàn cầu, gây ra những biến đổi khí hậu bất thường ở nhiều khu vực trên thế giới.

Ông Thomas Bracegirdle, Phó Trưởng nhóm khoa học của nhóm Khí quyển, Băng và Khí hậu thuộc Cơ quan Khảo sát Nam Cực (Anh) cho biết, đợt nắng nóng này ở Nam Cực đã phá kỷ lục và là tín hiệu quan trọng cho thấy những gì có thể xảy ra trong tương lai xa. Sóng nhiệt lần này hiếm xảy ra ở Nam Cực và các nhà khoa học chưa khẳng định rằng chúng có thể xảy ra thường xuyên hơn, nhưng điều đó có thể thay đổi.

Theo phân tích từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, đợt sóng nhiệt này cũng góp phần đáng kể vào ngày nóng nhất mới được ghi nhận của Trái đất vào cuối tháng 6 năm nay.

Đây là đợt sóng nhiệt đáng kể thứ 2 ghi nhận tại Nam Cực trong 2 năm qua. Trong đợt trước vào tháng 3/2022, nhiệt độ ở một số địa điểm đã tăng khoảng 21 độ C so với bình thường, là mức chênh lệch nhiệt độ cực đoan nhất từng được ghi nhận ở khu vực này.

Theo một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, đợt nắng nóng chưa từng có này đã trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Nghiên cứu phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đã góp phần làm tăng âm 15,7 độ C vào đợt nắng nóng và có thể làm cho các đợt nắng nóng tương tự trở nên tồi tệ hơn từ âm 12,7 độ C đến âm 11,7 độ C vào năm 2100.

Theo ông Ted Scambos, nhà nghiên cứu về băng hà tại Đại học Colorado Boulder (Mỹ), mặc dù đợt nắng nóng hiện tại chưa có ​​mức chênh lệch nhiệt độ đạt đến mức của năm 2022, nhưng nó đã lan rộng và kéo dài hơn nhiều. Và sự khác biệt quan trọng giữa hai đợt nắng nóng này là những gì đang diễn ra trong bầu khí quyển.

“Một hiện tượng rất bất thường”

Ông Bracegirdle cho hay, tập hợp các điều kiện khí quyển chủ yếu chịu trách nhiệm cho đợt nắng nóng đang diễn ra - sự phá vỡ của xoáy cực Nam - dự kiến ​​chỉ xảy ra trung bình hai thập kỷ một lần. “Đây là một hiện tượng rất bất thường”, ông Bracegirdle nhấn mạnh.

Giống như Bắc bán cầu, Nam bán cầu có xoáy cực - những cơn gió mạnh lưu thông cao trong khí quyển giữ không khí lạnh tại chỗ. Nhưng khi xoáy cực Nam bị phá vỡ, nó sẽ giải phóng không khí lạnh bị giữ lại ở Nam Cực và truyền các luồng không khí lạnh xa hơn về phía bắc. Điều này cũng mở ra "cánh cửa" cho không khí tràn xuống từ tầng khí quyển trên, làm ấm lên trên đường di chuyển.

Theo bà Amy Butler, nhà vật lý nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Khoa học Hóa học của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), xoáy cực Nam bị phá vỡ ít thường xuyên hơn so với xoáy cực Bắc, điều này giải thích tại sao những đợt nắng nóng như vậy lại ít thường xuyên hơn.

Bà Butler cho biết, sự gián đoạn xoáy cực này bắt đầu vào nửa cuối tháng 7 và có thể tiếp tục đến nửa đầu tháng 8, có thể đạt đỉnh cường độ trong khoảng một tuần. Điều này sẽ khiến nhiệt độ bề mặt tăng cao.

Đồng thời, nhiều đợt không khí ấm từ Tây Nam Ấn Độ Dương tràn qua Đông Nam Cực - nơi chiếm khoảng 2/3 toàn bộ lục địa. Theo ông Scambos, mỗi đợt không khí ấm lại theo sau một đợt khác rất gần đến mức sự nóng lên gần như liên tục trong vài tuần qua.

Một nghiên cứu vào năm 2020 được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy Nam cực ấm lên nhanh hơn gấp 3 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu từ năm 1989 đến năm 2018.

Tây Nam cực và sông băng "Ngày tận thế" Thwaites đã trở thành trọng tâm chính của nghiên cứu khoa học trong những năm gần đây do tác động thảm khốc từ mực nước biển dâng cao khi băng tan chảy ở tại khu vực này. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác trong vài năm qua đã chứng minh rằng tình trạng băng tan chảy ở Đông Nam cực - nơi xảy ra đợt nắng nóng này - cũng đang trở nên đáng lo ngại không kém.

Sự ấm lên gần đây đã gây ra một vấn đề đáng kể cho lớp băng quan trọng của lục địa này. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biên bản của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ năm 2019, Nam Cực đã mất khối lượng băng nhiều hơn đáng kinh ngạc là 280% trong những năm 2000 và 2010 so với những năm 1980 và 1990.

Mai Đan