Bài 3: Loay hoay “bài toán” xử lý rác

Biển đảo - Ngày đăng : 15:40, 05/08/2024

(TN&MT) - “Rác thải đang ngày một nhiều lên” ở hầu khắp các đảo dọc biển miền Trung. Trong khi các cấp chính quyền địa phương vẫn loay hoay với bài toán tìm hướng “xử lý” thì ngư dân cũng đang tự tìm cách “giải thoát” cho mình. Sự thiếu đồng bộ vô hình dung tạo thành một vòng luẩn quẩn trong xử lý rác thải nhựa.
bai-3(1).jpg

“Rác thải đang ngày một nhiều lên” ở hầu khắp các đảo dọc biển miền Trung. Trong khi các cấp chính quyền địa phương vẫn loay hoay với bài toán tìm hướng “xử lý” thì ngư dân cũng đang tự tìm cách “giải thoát” cho mình. Sự thiếu đồng bộ vô hình dung tạo thành một vòng luẩn quẩn trong xử lý rác thải nhựa.

sutit-1.jpg

Nỗi lo rác thải nhựa “xâm chiếm” đảo còn đáng quan ngại hơn khi hầu khắp các đảo vẫn đang loay hoay với “bài toán” xử lý, nhất là với lượng rác thải đại dương “bám” quanh đảo. Trong khi nhận thức của người dân và du khách chưa cao, “bạ đâu vứt đấy”, thì nguồn lực đầu tư cho công tác xử lý vẫn còn hạn chế…

b3-3.jpg
Công tác thu gom rác tại Lý Sơn vào những tháng cao điểm rất khó khăn. Ảnh: Lan Anh

Tại huyện đảo Lý Sơn, lượng rác thải “khổng lồ” vào các tháng cao điểm mùa du lịch có thể đạt 26 - 30 tấn/ngày, huyện đảo giao cho Công ty Đa Lộc đảm nhận. Hiện khối lượng thu gom, vận chuyển đạt 90% lượng rác thải phát sinh. Theo tính toán, hoạt động của nhà máy có công suất 50 tấn/ngày, cơ bản đảm bảo xử lý lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, địa phương đang phải chịu áp lực rất lớn từ rác thải trôi dạt từ đại dương.

“Cứ mỗi cơn sóng ập vào là đảo lại thêm rác. Hằng năm, huyện đảo hứng chịu 2 mùa gió rõ rệt là gió Bấc vào mùa đông và gió Nam vào mùa hè. Do vậy, một lớn lượng rác thải, trong đó đa phần là rác thải nhựa cứ theo sóng trôi dạt vào bờ. Mặc dù, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phối hợp cùng bà con ra quân thu gom nhưng vẫn không xuể. Bên cạnh đó là rác thải từ các tàu thuyền ra vào đảo tự ý vứt rác thải xuống biển và trôi dạt vào bờ”- ông Mai Văn Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn chia sẻ.

b3-2.jpg
Rác thải đại dương bủa vây Lý Sơn. Ảnh: Lan Anh

Thực trạng rác thải khiến ông Nguyễn Quyền - 3 đời sinh sống ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn dù vui mừng trước sự “thay da đổi thịt” từng ngày của hòn đảo quê hương nhưng vẫn “buồn lòng” bởi thực trạng môi trường tại đây. “Mấy hồi cứ dạo biển hoặc khi đi đánh bắt mà thấy rác, tôi đều cố gắng vớt mang về bỏ vào thùng rác đó nhưng không xuể được. Rác ở đâu mà nhiều quá, từ đất liền theo con nước dạt vào hay rác từ đảo thải ra cũng không rõ. Chừ cũng có doanh nghiệp thu gom nhưng vẫn thấy rác khắp nơi do bà con ý thức bảo vệ môi trường chưa cao”, ông Quyền trăn trở.

Đáng buồn hơn, tại 5 xã vùng biển (Đa Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Minh Minh Lộc và Hải Lộc) của huyện Hậu Lộc; xã đảo Nghi Sơn của thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) tình trạng rác thải nhựa đại dương theo hoàn lưu thủy triều trôi dạt vào bờ biển, xâm chiếm hầu hết các khu biển, trong khi chính quyền địa phương “bất lực”. Điển hình tại bãi biển Ngư Lộc có thời điểm hàng trăm tấn rác trôi dạt vào, nhưng xã cũng chỉ “chờ” Công ty môi trường đến dọn, hiện xã cũng không có quỹ đất để xây dựng nhà máy xử lý rác thải!

b3-9.png
Rác thải tấn công rừng phòng hộ ven biển Đa Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Còn tại xã đảo Nhơn Châu, để xử lý lượng rác ngày một tăng cao, bắt đầu từ tháng 9/2023, công tác thu gom rác thải trên địa bàn xã được giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định thực hiện. Lò đốt rác thải xã Nhơn Châu do Công ty Cổ phần Môi trường Bình Định vận hành có công suất 330 kg/giờ, đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường số 62/GP-UBND ngày 24/5/2022. Chỉ tính trong tháng 3/2024, khối lượng rác thải đưa vào lò đốt khoảng 37,470 tấn. Tần suất đốt 3 ngày/lần, thời gian đốt 10 giờ/lần.

Dù đã tăng tần suất thu gom và được đầu tư lò đốt rác, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu Hồ Nhật Duy thừa nhận, công tác thu gom, xử lý rác thải trên đảo còn nhiều khó khăn. UBND xã đã thực hiện công tác phân loại chất thải tại nguồn, tuy nhiên việc triển khai còn nhiều hạn chế, tỷ lệ phân loại còn thấp. Tính tổng tỷ lệ phân loại trên địa bàn toàn xã chỉ đạt 80%; chất lượng phân loại chất thải rắn sinh hoạt còn chưa đảm bảo; quá trình phân loại chất hữu cơ còn lẫn chất thải vô cơ nên khi đưa về nhà máy xử lý rác thải còn phải phân loại lại. Hiệu quả hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa cao do thói quen tiêu dùng, sử dụng, sinh hoạt của người dân chưa thay đổi.

sutit-2.jpg

Huyện đảo Cồn Cỏ đối mặt với lượng rác thải đại dương tấp vào ngày một nhiều. Ông Lê Nhật Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế - xã hội huyện Cồn Cỏ cho biết, lượng rác nhiều hơn vào mùa gió chướng, từ khoảng tháng 10 đến đầu năm sau. Để xử lý vấn đề này, từ năm 2019, huyện đảo đã phân đoạn bờ biển và giao cho các cơ quan, đoàn thể của huyện thực hiện dọn rác 1 lần/tháng. Nhưng từ năm 2021 trở lại đây, huyện giao cho các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện việc vệ sinh trên tinh thần tự giác.

“Việc này có cái khó là đa số cán bộ, công chức, người lao động trên đảo cuối tuần sẽ về đất liền nên nhân lực rất hạn chế, việc vệ sinh gặp khó, hiệu quả chưa cao”, ông Lê Nhật Hải cho biết.

b3-7.jpg
Rác thải nhiều, nhưng hiện lò đốt rác duy nhất của huyện đảo đã hỏng không sử dụng được. Ảnh: Thanh Tùng

Đáng buồn hơn, huyện đảo Cồn Cỏ dù đã được đầu tư một lò đốt rác để xử lý lượng rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương phát sinh trên đảo. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng cho biết, lò đốt đã được đầu tư hơn 10 năm, đến nay do tác động của khí hậu, thời tiết khắc nghiệt trên đảo nên đang bị hỏng, không còn sử dụng được! Không những vậy, các xe đựng rác, chở rác trên đảo cũng còn rất thiếu.

Khó khăn trong việc phân loại, xử lý rác thải cũng là thực trạng tại xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam). Một mặt giáp biển và ba mặt còn lại giáp sông Trường Giang, xã đảo Tam Hải biệt lập, vẫn còn giữ nét hoang sơ của thiên nhiên, khung cảnh hữu tình. Du khách đến đây không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh biển, bãi cát trắng, rừng dừa xanh ngắt, mà còn được ngắm những bãi đá trầm tích có tuổi đời hàng triệu năm nằm xếp tầng tầng lớp lớp, tạo nên những hình thù kỳ bí, lạ mắt của cụm thắng cảnh Bàn Than, Hòn Mang, Hòn Dứa...

b3-6.jpg
Rác được chất đống trong lò đốt rác tại đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Thanh Tùng

Nhưng cũng giống như các xã đảo khác, tình trạng rác thải từ đất liền theo dòng Trường Giang trôi đến, dạt vào các bãi biển thực sự là bài toán nan giải của chính quyền và người dân nơi đây. Cứ sau các đợt mưa lũ, bờ biển dài khu vực ghềnh đá Bàn Than trở thành tụ điểm của rác thải. Từ túi ni lông đến chai nhựa, ly nhựa, ngưa cụ hỏng… đều có mặt trên khắp bãi biển.

Để xử lý tình trạng rác thải do nơi khác chảy đến và rác thải sinh hoạt của người dân ở xã đảo Tam Hải, ngành tài nguyên môi trường tỉnh Quảng Nam đã đề xuất triển khai dự án nhà máy đốt rác thải tại địa phương này. Tuy vậy, do người dân phản ứng vì lo ngại lò đốt rác gây ô nhiễm cùng với việc không đảm bảo về khoảng cách với khu dân cư so với quy định nên đến nay dự án không được triển khai. Rác thải ngày càng ứ đọng đã làm cho bộ mặt du lịch của xã đảo ngày càng “mất điểm” trong mắt du khách.

box1.jpg

Theo lãnh đạo xã Tam Hải, địa phương cũng đã tổ chức vận động tuyên truyền, triển khai thực hiện thí điểm người dân không sử dụng túi ni lông như ở Cù Lao Chàm (TP. Hội An) để hạn chế tình trạng ô nhiễm nhưng hiệu quả không cao. Trong khi Cù Lao Chàm cách đất liền 30 phút đi cao tốc thì Tam Hải chỉ mất khoảng 5 phút đi phà, việc người dân di chuyển, giao thương sử dụng túi nilon quá thuận lợi và khó kiểm soát nên vận động thay đổi thói quen tiến đến không sử dụng túi nilon là rất khó.

sutit-3.jpg

Nhiều chuyên gia về môi trường nhận định, vấn đề phát sinh rác thải nhựa đại dương đang đặt ra những thách thức lớn đối với việc hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Đó là: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW đã đề ra các quy định cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa. Quá trình triển khai các chương trình và dự án bảo vệ môi trường biển mặc dù đã đạt được một số thành quả nhất định nhưng hiện nay vẫn còn nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua. Cụ thể, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý, kiểm soát giảm thiểu rác thải nhựa đại dương còn thiếu đồng bộ. Sự tăng trưởng của ngành du lịch tại các đảo, huyện đảo đang tạo sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường biển, thách thức đối với công cuộc chống ô nhiễm nhựa đại dương.

box2.jpg

Trong khi đó, khả năng thu gom và xử lý rác thải nhựa trên các đảo còn hạn chế. Nhiều khu vực chưa có hệ thống thu gom và xử lý rác thải hiệu quả, dẫn đến tình trạng rác thải bị đổ ra biển và tích tụ tại các bãi biển. Mặt khác, nhận thức của người dân và du khách về tầm quan trọng của việc giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Cần có các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, việc chống ô nhiễm nhựa đại dương đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tại, sự hợp tác này vẫn chưa được thực hiện hiệu quả. Ô nhiễm rác thải nhựa tại các đảo miền Trung đang là một vấn đề cấp bách, cần có sự quan tâm và hành động mạnh mẽ từ tất cả các bên liên quan. “Chỉ khi có sự hợp tác và nỗ lực đồng bộ, chúng ta mới có thể bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn nói.

b3-10.jpg
Sự tăng trưởng của ngành du lịch tại các đảo, huyện đảo đang tạo sức ép lớn đối với công tác bảo vệ môi trường biển

Đồng tình với quan điểm trên, bà Bùi Thị Thu Hiền, Quản lý Chương trình Biển và Vùng bờ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho rằng, rác thải nhựa đại dương không còn chỉ là vấn đề của một quốc gia hay một khu vực địa lý nào, mà còn là thách thức của toàn cầu. Do đó, rất cần sự chung tay và hợp tác góp sức của từng cá nhân, tập thể và xã hội. Bắt đầu từ hành động nhỏ, chúng ta sẽ tạo nên thay đổi lớn. Trước hết, chúng ta hãy giảm rác và phân loại rác tại nguồn. Những hành động như dọn sạch rác ở các bãi biển chỉ mang tính nâng cao nhận thức và truyền thông còn để giảm rác thải nhựa thì mỗi cá nhân, đơn vị, cơ quan hay một nhà hàng, khách sạn đều phải thực hành giảm rác, sau khi giảm rác thì phải phân loại rác tại nguồn.

Thực hiện: Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương

Trình bày: Trần Dũng Thi

Bài 4: Hành động để “đẩy lùi” rác thải nhựa

Thực hiện: Nguyễn Dũng – Thanh Tùng – Lan Anh – Đỗ Vương