Khoáng sản

Tư Nghĩa (Quảng Ngãi): Nhiều bất cập tại các mỏ khai thác cátKỳ 2: Bất chấp quy định khai thác tại mỏ cát xã Nghĩa Lâm

Đông Duy 04/08/2024 09:57

Sau thời gian dài tìm hiểu, phóng viên Báo TN&MT đã ghi nhận hàng loạt tồn tại trong hoạt động khai thác cát tại mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản HDC. Cụ thể, doanh nghiệp này đã khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép; sử dụng vượt số lượng phương tiện được phép khai thác; vận chuyển khoáng sản ra khỏi khu vực mỏ nhưng không qua trạm cân; khai thác không đúng trình tự thiết kế,…

Phạm vi được phép khai thác không thể là “rào cản”

Theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 05/GP-UBND được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp vào ngày 6/2/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản HDC được phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa với diện tích khu vực khai thác là 9,6ha (giới hạn bởi 5 điểm góc); công suất khai thác 20.000m3 cát nguyên thổ/năm; thời gian cấp phép khai thác 5,8 năm.

anh-2.1-min.jpg
Hiện trạng khai thác tại mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 9/4/2024 (đường đỏ là ranh giới của mỏ với 5 điểm mốc)
anh-2.2(1).jpg
Hoạt động khai thác ngoài phạm vi được cấp phép (ghi nhận ngày 9/4/2024)

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động khai thác vào đầu năm nay nhưng ngay thời gian đầu, Công ty HDC đã có dấu hiệu khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép. Cụ thể, vào ngày 9/4, phóng viên ghi nhận có 3 xe máy xúc hoạt động khai thác cát hoàn toàn ngoài phạm vi mỏ tính từ điểm mốc M3 – M4 hướng về hạ nguồn sông Trà Khúc. Đồng thời, từ đoạn mốc M3 – M4, có 2 tàu gắn máy bơm và 1 máy xúc nằm ở vùng giáp ranh biên giới mỏ. Còn về hướng thượng nguồn sông, từ điểm M1 – M5, hiện trạng bãi bồi nằm ngoài ranh giới mỏ vẫn còn đầy dấu hiệu đã bị khai thác trước đó.

anh-2.3-min.jpg
Hiện trạng khai thác ghi nhận ngày 19/6/2024

Đến tháng 19/6, doanh nghiệp càng “bành trướng” hơn khi cùng với việc mở rộng khai thác ra ngoài phạm vi ở phía hạ nguồn thì còn kéo cả tàu gắn máy bơm ra khai thác ở khu vực giáp với bờ sông của xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh). Đáng chú ý, phía bờ sông thuộc xã Tịnh Giang là khu dân cư hiện hữu. Nếu tình trạng sử dụng tàu gắn máy bơm khai thác ở khu vực này không được ngăn chặn kịp thời thì dễ dẫn đến hiện tượng xói lở bờ sông, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn người dân, mất đất, mất nhà,…

Có lẽ, về ranh giới mỏ, điểm đáng ghi nhận của mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm chính là có đầy đủ mốc giới và được cắm đúng vị trí. Tuy nhiên, các điểm mốc vẫn chưa thể phát huy được giá trị khi không thể là “rào cản” để doanh nghiệp khai thác theo đúng phạm vi mỏ đã được phê duyệt. Vậy, vì sao trong thời gian qua, mặc dù doanh nghiệp vẫn thường xuyên đưa phương tiện khai thác ra ngoài phạm vi nhưng lại không bị cơ quan chức năng nào phát hiện và xử lý?

Khi quy định khai thác mỏ bị doanh nghiệp làm ngơ

Về số lượng phương tiện được phép sử dụng để khai thác, theo Thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thẩm định, mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm được sử dụng 1 máy xúc để thực hiện khai thác và xúc bốc tại bãi chứa của mỏ; 1 bơm công suất lớn (gắn vào tàu – Pv) và 1 bơm công suất dự phòng tại chỗ. Dù số lượng phương tiện khai thác đã được lựa chọn phù hợp với công suất khai thác (20.000m3/năm) là vậy, nhưng trên thực tế, phóng viên ghi nhận số lượng phương tiện tại mỏ vượt rất nhiều lần.

anh-2.4(1).png
Xe vận chuyển cát từ khu vực khai thác không đi qua trạm cân

Vào ngày 19/6, ghi nhận có tổng cộng 5 tàu gắn máy bơm, trong đó có 3 tàu nằm trong phạm vi ranh giới mỏ, được kết nối với ống hút đưa lên bãi (trong đó có 1 tàu gắn máy bơm đang hoạt động); 2 tàu gắn máy bơm nằm ngoài ranh giới mỏ, trong đó 1 tàu đang hoạt động hút cát ở khu vực giáp với bờ sông của xã Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh). Bên cạnh đó, khu vực khai thác (bao gồm trong và ngoài phạm vi khai thác) ghi nhận có 12 xe máy xúc; khu vực nhà điều hành, trạm cân và bãi chứa có 5 xe máy múc, trong đó có 2 xe đảm nhận công tác xúc bốc tại bãi.

anh-2.5-min.jpg
Tàu gắn máy bơm khai thác ở vị trí sát với bờ sông thuộc xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh (ngày 19/6/2024)

Theo hồ sơ được phê duyệt, đường hào mở vỉa khai thác của mỏ cát được kéo theo biên giới mỏ, từ mốc M5 đến mốc M1, và từ mốc M1 đến mốc M2. Quanh mốc M2 là khu vực khai thác ban đầu. Trong năm đầu tiên, doanh nghiệp được phép khai thác theo hướng từ thượng nguồn đến hạ nguồn sông Trà Khúc (khai thác theo hướng dọc sông từ khu vực bãi bồi giáp với sông, kéo từ mốc M1 đến mốc M2 và M3). Các năm tiếp theo tiếp tục khai thác theo hướng dọc sông, tiến từ từ vào hướng bãi bồi và năm kết thúc là khu vực kéo từ điểm mốc M5 đến điểm mốc M4.

Nhưng khi so sánh với thực tế thì trình tự khai thác không được doanh nghiệp chấp hành, các nội dung được cơ quan chức năng thẩm định không được doanh nghiệp nghiêm túc áp dụng. Hiện trạng cho thấy gần như toàn bộ khu vực mỏ đã được khai thác, mặc dù thời gian khai thác chỉ mới khoảng một nửa của năm khai thác đầu tiên theo thiết kế. Trong khi khu vực thượng nguồn (từ mốc M1 đến M5) và hạ nguồn (từ mốc M3 đến M4) đã bị khai thác với diện tích lớn thì hiện doanh nghiệp đang tiếp tục khai thác vào hướng trung tâm của mỏ. Đồng thời, vẫn ngang nhiên khai thác những khu vực nằm ngoài phạm vi mỏ. Không những vậy, vấn đề vận chuyển khoáng sản cũng tồn tại bất cập khi xe chở cát từ khu vực khai thác vào bãi chứa và xe chở cát từ bãi chứa đi tiêu thụ không qua trạm cân.

Vậy, với số lượng phương tiện khai thác, hiện trạng khai thác (bao gồm trong và ngoài ranh giới mỏ) như trên thì liệu Công ty Cổ phần Đầu tư và Khai thác khoáng sản HDC đã và đang chấp hành đúng với các quy định của pháp luật về khai thác tại mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm hay chưa?

Có lẽ, vấn đề này cần được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Trong đó, cần đánh giá trữ lượng đã khai thác trong phạm vi ranh giới mỏ để làm rõ vấn đề doanh nghiệp có khai thác vượt công suất hay không. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá trữ lượng đã bị khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ, có phương án xử lý phù hợp như xử phạt, truy thu số lợi bất chính,…

Vì sao đoàn kiểm tra không phát hiện ra các vi phạm?

Theo biên bản kiểm tra do Phòng TN&MT huyện Tư Nghĩa cung cấp, ngày 11/6, đoàn kiểm tra của huyện Tư Nghĩa, gồm đại diện lãnh đạo Phòng TN&MT và đại diện lãnh đạo UBND xã Nghĩa Lâm đã có buổi kiểm tra thực địa khu vực mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm. Kết quả buổi kiểm tra nêu rõ: “Qua kiểm tra thực địa, đoàn kiểm tra nhận thấy Công ty hoạt động khai thác cát đúng theo Giấy phép khoáng sản số 05/GP-UBND ngày 6/2/2024 của UBND tỉnh, các mốc giới đảm bảo, Công ty khai thác đúng theo mốc giới quy định,…”

anh-2.6-min.jpg
Hiện trạng khai thác ghi nhận ngày 7/6/2024 (trước 4 ngày kiểm tra thực địa của Phòng TN&MT huyện Tư Nghĩa)

Ông Võ Tấn Bông, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm, cho biết, ngày 15/6 tiếp tục có đoàn kiểm tra của Sở TN&MT về hoạt động khai thác tại mỏ cát thôn 1. Đoàn kiểm tra cũng xác định doanh nghiệp hoạt động khai thác trong phạm vi được cấp phép. Về vai trò của địa phương, UBND xã cũng đã có một số đề xuất với Sở như giám sát khai thác trữ lượng qua trạm cân, camera; vấn đề đường sử dụng và mở rộng đường giao thông đi vào mỏ,…

Theo Công văn số 883/TB-UBND ngày 25/7/2024 của UBND huyện Tư Nghĩa thông báo kết luận của đồng chí Trần Thiên Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện tại buổi kiểm tra thực tế việc quản lý khai thác cát tại xã Nghĩa Lâm vào chiều ngày 24/7/2024, “Qua kiểm tra thực tế ghi nhận tại hiện trường cho thấy, tại mỏ cát thuộc thôn 1, xã Nghĩa Lâm, đơn vị được cấp phép khai thác đã tiến hành khai thác cát trong phạm vi mốc giới được cơ quan có thẩm quyền cắm mốc, cơ bản đảm bảo theo phương án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tại vị trí mốc M3 theo báo cáo của Công ty do dòng nước chảy làm cho cột mốc ngã đổ, công ty đã di chuyển vào vị trí bên trong so với cột mốc M3 được cấp có thẩm quyền giao; trong phạm vi khai thác có 9 máy đào, nhiều hơn so với phương án đã được phê duyệt…”. Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đã yêu cầu doanh nghiệp di chuyển máy bơm hút cát gần vị trí mốc M1 vào trong phạm vi khai thác được cấp phép; nghiêm túc thực hiện khai thác trong phạm vi ranh giới đã được cấp có thẩm quyền cấp phép; có văn bản giải trình số lượng máy đào nhiều hơn so với phương án được duyệt báo cáo UBND huyện;…

anh-2.7-min.jpg
Hiện trạng khai thác ghi nhận ngày 2/8/2024 với vị trí các tàu gắn máy bơm nằm ngoài ranh giới mỏ mặc dù đã có chỉ đạo từ UBND huyện Tư Nghĩa

Như vậy, có thể thấy rằng, qua một số buổi kiểm tra thực tế thì cơ quan chức năng vẫn chưa thể phát hiện ra hành vi khai thác ngoài mốc giới, khai thác không đúng trình tự theo phương án được duyệt tại mỏ cát thôn 1, xã Nghĩa Lâm. Đối với việc khai thác cát tại bãi bồi sông thì dấu hiệu khai thác ngoài phạm vi không thể bị “xóa bỏ” nếu mùa mưa lũ chưa đến. Vậy, tại sao hiện trạng khai thác ngoài phạm vi đã rõ ràng như vậy nhưng các đoàn kiểm tra lại không thể phát hiện được? Phải chăng công tác kiểm tra thực địa nhưng chưa đi hết thực địa?

Đông Duy