Thế giới

Bão ở Đông Nam Á có khả năng kéo dài hơn và mạnh hơn

Mai Đan 02/08/2024 - 21:15

(TN&MT) - Ngày 2/8, Tờ The Straits Times đưa tin, các cơn bão ở khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ mạnh lên nhanh hơn, di chuyển về phía Bắc, và chậm lại trên đất liền, gây ra nhiều thiệt hại hơn ở các khu vực ven biển đông dân cư. Điều này xảy ra trong bối cảnh thế giới ấm lên.

Cuối tháng 7 vừa qua, cơn bão Gaemi vừa đổ bộ vào Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) và khu vực phía Nam Trung Quốc báo hiệu những gì sắp xảy ra khi khí hậu ấm lên đẩy nhanh quá trình hình thành các cơn bão nghiêm trọng và chuyển hướng về phía Bắc.

2_8_2024_a_giant_wave_crashes_over_a_road_in_xiapu_county_fujian_province.jpg
Bão ở Đông Nam Á có khả năng kéo dài hơn và mạnh hơn

Thực hiện các nghiên cứu mô hình hóa bão, các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore và 2 đơn vị nghiên cứu của Mỹ phát hiện, các thành phố ven biển như Bangkok (Thái Lan), Yangon (Myanmar) và Hải Phòng (Việt Nam) có khả năng chịu gánh nặng của những cơn bão kéo dài hơn và mạnh hơn này.

Ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore (EOS) thuộc NTU, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết, khi nhiệt độ nước biển tăng lên, các cơn bão nhiệt đới sẽ bắt đầu xuất hiện ở những khu vực trước đây không có nhiều bão nhiệt đới.

Đáng chú ý, trong cả hai kịch bản phát thải khí nhà kính trung bình và cao, những mô hình của các nhà nghiên cứu chỉ rõ, ngày càng có nhiều cơn bão hình thành trên Biển Đông và đổ bộ vào đất liền ở phía Bắc. Ngoài ra, ít cơn bão hơn dự kiến sẽ hình thành trên vùng biển phía Đông Philippines. Ông Dhrubajyoti Samanta, nghiên cứu viên cao cấp tại EOS, đồng tác giả khác của nghiên cứu trên nhận định, hiện nay, hầu hết các cơn bão đều hình thành trên Tây Thái Bình Dương, trong đó có vùng biển phía Đông Philippines.

Nghiên cứu trên còn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu của Đại học Rowan ở bang New Jersey và Đại học Pennsylvania, Mỹ. Họ đã nghiên cứu hơn 64.000 cơn bão nhiệt đới được mô phỏng từ thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 21, theo cả kịch bản phát thải carbon trung bình và cao.

Các mô phỏng này cho thấy những thay đổi về nơi hình thành, mạnh lên, chậm lại và cuối cùng là suy yếu của bão. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng 9 mô hình khí hậu khác nhau để đảm bảo kết quả chính xác.

Một phát hiện khác khiến các nhà nghiên cứu lo ngại là trong bối cảnh đại dương ấm lên, khả năng phát triển và mạnh lên nhanh hơn của các cơn bão trong tương lai từ một cơn bão nhiệt đới thành bão cấp 4 hoặc cấp 5.

Cụ thể, các cơn bão nhiệt đới có nhiều khả năng hình thành và mạnh lên nhanh nhất gần bờ biển Đông Nam Á, và tốc độ mạnh lên có khả năng vượt các ghi nhận trong lịch sử. Trong khi đó, có những thách thức trong việc dự báo về khả năng mạnh lên nhanh chóng, đặc biệt ngay trước khi bão đổ bộ.

Theo ông Dhrubajyoti Samanta, trong một số trường hợp, một cơn bão có thể mạnh lên thành bão lớn trong vòng 1 ngày. Ông cho biết thêm, tại Đông Nam Á, bão được dự báo sẽ di chuyển chậm hơn và mất nhiều thời gian hơn trước khi bão tan; điều đó có thể gây ra sự tàn phá lớn hơn đối với cơ sở hạ tầng.

Ông Dhrubajyoti Samanta cũng cảnh báo, các thành phố ven biển đứng trước nguy cơ cần tăng cường các hệ thống dự báo thời tiết khắc nghiệt. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách kết hợp những nghiên cứu của họ với các dự báo về mực nước biển dâng ở khu vực Đông Nam Á, nhằm giúp các nhà quy hoạch ven biển hiểu rõ hơn về cách bảo vệ các thành phố khỏi những thiệt hại nghiêm trọng.

Mai Đan