Môi trường

Long An: Tăng cường giải pháp bảo vệ môi trường

Thanh Bạch 01/08/2024 - 17:20

(TN&MT) - Tỉnh Long An đã và đang dồn sức triển khai thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, trọng tâm là tập trung công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tăng cường giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Thông tin từ Sở TN&MT Long An cho biết, công tác quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn luôn được các cấp, các ngành và các địa phương quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Hiện, khối lượng CTRSH thu gom trên địa bàn tỉnh được khoảng từ 800 - 850 tấn/ngày. Tuy vậy, trong thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn nhất định.

h1...jpg
Thùng ủ phân compost cộng đồng góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường

Để khắc phục, đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH thời gian tới được hiệu quả và mang tính bền vững, tỉnh Long An đặt ra giải pháp trong nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch các khu xử lý rác theo hướng tập trung, hạn chế quy hoạch nhỏ lẻ. Hàng năm, tỉnh Long An bố trí đủ nguồn lực cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác cho các địa phương, đơn vị theo đúng quy định; đồng thời, tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư nhà máy xử lý tại các vị trí đã được phê duyệt quy hoạch với công nghệ xử lý hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của địa phương.

Theo ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định đến cuối năm 2024, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn. Việc phân loại này nhằm thúc đẩy tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải, sản phẩm thải bỏ, tận dụng tối đa giá trị, kéo dài vòng đời của sản phẩm, vật liệu; giảm tối đa lượng chất thải phải xử lý. Tuy nhiên, việc tái sử dụng chất thải hữu cơ trên địa bàn tỉnh Long An còn gặp nhiều khó khăn, như: chưa có quy trình kỹ thuật chuẩn đảm bảo chất lượng đầu ra của phân compost; đa số người dân chưa tin dùng sản phẩm nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất phân compost từ rác hữu cơ.

Nhận thấy tầm quan trọng của công tác phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom riêng các loại chất thải là việc làm cần thiết của chiến lược tận dụng rác thải một cách toàn diện, từ năm 2020 đến nay, trong khuôn khổ Dự án Quản lý chất thải rắn tỉnh Long An do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) - Việt Nam hỗ trợ thực hiện, tỉnh Long An đã thí điểm khu vực đô thị tại phường 3, TP. Tân An. WWF - Việt Nam cũng đồng thời tiếp tục hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình khu vực nông thôn tại huyện Vĩnh Hưng; trong đó, có hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình nhằm tận dụng tối đa chất thải hữu cơ từ sinh hoạt, từ nông nghiệp và lục bình - loài thực vật phát triển tự nhiên rất nhiều tại khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.

“Để đánh giá kết quả mang lại làm cơ sở nhân rộng mô hình trên, Sở TN&MT Long An vừa tổ chức Hội thảo giải pháp xanh cho rác hữu cơ trong bối cảnh thực thi phân loại CTRSH tại nguồn. Hội thảo là cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu thêm một số giải pháp xử lý, tái sử dụng, tận dụng tối đa giá trị của rác hữu cơ; đồng thời, giảm tối đa lượng chất thải rắn phải xử lý, qua đó giảm được kinh phí xử lý rác trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Tân Thuấn cho hay.

Mới đây, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Long An ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm “Chuyển đổi số Quản lý chất thải” trên địa bàn TP. Tân An (tỉnh Long An) nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý CTRSH, tăng cường kết nối và chia sẻ dữ liệu xây dựng chính quyền số; đồng thời, bảo đảm hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm thực hiện thí điểm trên địa bàn TP. Tân An, tỉnh Long An sẽ triển khai đồng bộ mô hình chuyển đổi số quản lý CTRSH cho các địa phương trên toàn tỉnh Long An trong thời gian tới.

Thanh Bạch