TP.HCM: Công trình xây dựng không phép giảm mạnh
(TN&MT) - Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND TP.HCM kết quả thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, sau 5 năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy TP.HCM và các chỉ đạo của UBND TP trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng, tình hình vi phạm xây nhà trái phép, không phép trên địa bàn đã được kéo giảm mạnh.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn TP.HCM chỉ có 142 công trình vi phạm trật tự xây dựng, bình quân 0,8 vụ/ngày, giảm 7,7 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 90,8% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 về tăng cường quản lý trật tự đô thị của Thành ủy (6 tháng đầu năm 2019).
Tính lũy kế sau 5 năm thực hiện chỉ thị và kế hoạch của TP.HCM (thì tổng số công trình vi phạm ghi nhận 2.977 công trình, bình quân 1,6 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tương ứng giảm 81%).
Trong đó, một số quận không phát sinh công trình vi phạm trong 6 tháng đầu năm 2024 như: quận 6, quận 7, Tân Phú và Phú Nhuận. Dẫn đầu địa phương có nhiều công trình vi phạm là TP Thủ Đức với 52 công trình (sai phép 31, không phép 21). Kế đến là quận 8 có 26 công trình (8 công trình sai phép, 18 công trình không phép), quận 11 và Bình Tân cùng có 9 công trình chủ yếu là công trình không phép…
Đặc biệt, một số địa bàn từng là “điểm nóng” về xây dựng trái phép, không phép trước đây như huyện Bình Chánh trong 6 tháng đầu năm 2024 chỉ để xảy ra 2 vụ vi phạm xây dựng sai phép, không để xảy ra xây dựng không phép, kéo giảm số vụ vi phạm lên đến gần 98% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 23-CT/TU.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện nay tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp công chức được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm trong công tác kiểm tra, theo dõi, phát hiện, tham mưu, đề xuất lập hồ sơ xử lý công trình đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Công tác tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt hành chính mặc dù được các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhưng số công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa cưỡng chế phá dỡ còn tồn đọng nhiều. Do vậy, cần phải tập trung thực hiện thường xuyên, có lộ trình cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.