Trong nước

Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển

Theo Chinhphu.vn 01/08/2024 - 17:12

Sáng 1/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì dẫn đầu Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, tại TP. Đà Nẵng.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế mở nhưng bảo đảm tính độc lập, tự chủ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của những mục tiêu, chủ trương lớn; xác định những vấn đề mới, trọng yếu, chiến lược cần bổ sung vào văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Trong bối cảnh tình hình mới, các đại biểu cần chỉ rõ những sản phẩm, tiềm năng, lợi thế, khác biệt ở từng địa phương, làm lên thương hiệu cạnh tranh của vùng và quốc gia; đề xuất tư duy, cách làm, giải pháp mới trong thực hiện đột phá về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực.

"Có những mục tiêu, nhiệm vụ, chủ trương đặt ra rất đúng đắn nhưng chưa đạt được, thì trong văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng cần có sự đổi mới tư duy, cách làm và giải pháp đồng bộ đi kèm", Phó Thủ tướng gợi mở.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển- Ảnh 2.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển- Ảnh 3.

Lãnh đạo một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển- Ảnh 4.
Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển- Ảnh 5.

Lãnh đạo một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Chia sẻ những nút thắt về thị trường bất động sản, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực, hệ thống giao thông liên kết vùng… Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho rằng, cần tháo gỡ ngay vướng mắc về thể chế, hành lang pháp lý để tạo nguồn lực phát triển mới, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ.

"Khi một doanh nghiệp FDI rút đi, thì chúng ta còn lại gì nếu chỉ gia công, lắp ráp?", ông Lê Trường Lưu nêu vấn đề và cho rằng cần có chính sách lựa chọn thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao, làm chủ công nghệ hướng tới xây dựng nền kinh tế tự chủ, đủ khả năng ứng phó với các biến động, đứt gãy chuỗi giá trị trên thị trường thế giới. Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà Nguyễn Hải Ninh đề nghị tập trung những ngành công nghiệp nền tảng (luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất, năng lượng, vật liệu, công nghệ số), và đề ra mục tiêu tương ứng về cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Từ thực tế địa phương, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trăn trở: Làm thế nào ghi nhận được các ý kiến khác biệt, nói thật, nghĩ thật, không nói một chiều, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương thay vì chờ Trung ương. "Việc triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức mới cần thận trọng, lấy ý kiến toàn diện, nhất là những mô hình còn ý kiến khác nhau, tránh tình trạng thí điểm một thời gian dài rồi lại như cũ", ông Hoàng Trung Dũng nói.

Nhấn mạnh yêu cầu thắt chặt liên kết vùng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, phải giải quyết được câu chuyện về cơ chế, vai trò, vị trí, trách nhiệm của Hội đồng điều phối vùng, nguồn lực cho việc triển khai quy hoạch vùng; tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến cao tốc hiện hữu, ưu tiên đầu tư đoạn đường sắt cao tốc đi qua địa bàn vùng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, TP. Đà Nẵng đề nghị tổng kết, đánh giá việc thực hiện cơ chế đặc thù ở một số địa phương làm cơ sở luật hoá, "tạo mặt bằng chung" về cơ chế, chính sách cho các địa phương khác; sớm triển khai thí điểm một số vấn đề mới, chính sách mới, như xây dựng trung tâm tài chính, khu thương mại tự do, phát triển nhân lực công nghiệp chip bán dẫn, điện gió ngoài khơi…

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương, giai đoạn tới, công tác thể chế không dừng lại ở tháo gỡ khó khăn phát sinh từ thực tiễn, vướng mắc, mà phải tạo không gian phát triển mới cho nền kinh tế, dự báo, cập nhật kịp thời xu thế, sự thay đổi của tình hình thế giới, nhất là những lĩnh vực mới (biến đổi khí hậu, năng lượng, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ…).

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đề xuất bổ sung khâu đột phá chính sách an sinh xã hội về giáo dục, việc làm, y tế, trợ giúp xã hội…

Đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng thể chế, kiến tạo không gian mới phát triển- Ảnh 6.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp làm mới những nội dung, nhiệm vụ đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhất là nhóm vấn đề mới đặt ra đối với cả nước, cũng như từ đặc trưng, thực tiễn của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

"Các nội dung, nhiệm vụ, mục tiêu được nêu trong văn kiện mang tính tổng thể, toàn diện, nhưng quá trình triển khai cần có lộ trình cụ thể, trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn, phù hợp với thực tiễn, cơ sở dự báo, mức độ ưu tiên cho cả nước, cho vùng", Phó Thủ tướng nói và lưu ý cần xác định rõ cơ chế huy động, quản trị nguồn lực từ nhà nước, xã hội.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng nền kinh tế mở, nhưng bảo đảm tính độc lập, tự chủ thông qua tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đổi mới trong thu hút FDI, phát triển nông nghiệp, chú trọng thị trường trong nước, khắc phục tình trạng "đông kỹ sư, thiếu công nhân lành nghề", nghiên cứu và làm chủ những ngành công nghiệp, công nghệ nền tảng… Trong đó, cần xác định những sản phẩm, khâu, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với trình độ, năng lực của nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cần có cách tiếp cận phù hợp để bảo tồn, khai thác, phát triển kinh tế từ tiềm năng di sản văn hoá, thiên nhiên.

Phó Thủ tướng cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng thể chế theo hướng tạo không gian mới phát triển, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ người quản lý đến doanh nghiệp, người dân.

Trao đổi về "bài toán" triển khai quy hoạch vùng, tăng cường liên kết vùng, Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với việc thể chế hoá vai trò, vị trí, công cụ quản lý của hội đồng điều phối vùng đối với những hoạt động mang tính liên kết vùng về địa lý, tự nhiên, văn hoá, xã hội, kinh tế… các địa phương phải chủ động thống nhất quy chế hoạt động, tổ chức lựa chọn những nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp vùng.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về với kiến nghị nâng cấp đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc, xây dựng đường sắt cao tốc kết nối nội vùng, quốc tế kết nối đồng bộ với các tuyến đường biển, đường thuỷ nội địa, phát triển đường sắt đô thị; thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; vai trò của Nhà nước trong đào tạo nhân lực cho các ngành công nghiệp mới, công nghiệp nền tảng; bảo đảm an sinh, công bằng xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu cho người dân chịu tác động trong quá trình phát triển kinh tế, chuyển đổi năng lượng, hình thành các ngành công nghiệp mới, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…

Theo Chinhphu.vn