Xã hội

Đam Rông ngày mới...

Đình Du 31/07/2024 - 18:37

(TN&MT) – Ngày trước, khi nhắc đến huyện Đam Rông khiến không ít người chạnh lòng về cái nghèo, kinh tế kém phát triển, giao thông khó khăn ở nơi đây. Nhưng hôm nay bộ mặt cuộc sống của Đam Rông đã hoàn toàn đổi thay, kinh tế khởi sắc, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Về miền…“đất nghèo”

Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, dọc theo Quốc lộ 27 hơn 100 km, trườn qua hai ngọn đèo rất dài, có độ dốc rất cao mới tới được trung tâm huyện Đam Rông.

Tây nguyên đang vào mùa mưa. Mặc dù ban ngày nhưng trên đỉnh đèo chìm trong làn sương mù đặc quánh. Qua đèo Phú Sơn và đèo Chuối là thị trấn Bằng Lăng lồ lộ mờ ảo hiện ra dưới thung lũng được ôm ấp bởi làn sương mù dày đặc.

Vùng đất này từng được du khách truyền nhau rằng, nơi đây đích thị là chốn…“thâm sơn cùng cốc” của cái khó, cái khổ…tỉnh Lâm Đồng.

Theo những người dân là đồng bào M’Nông đi rừng, địa danh Đam Rông có nghĩa là “chàng trai tốt bụng”. Thuở xưa, chàng trai ấy là một thủ lĩnh giàu có trong vùng, hay san sẻ giúp đỡ những người khó khăn và yếu thế trong cộng đồng người vùng cao. Chính vì vậy mà vùng đất đỏ bazan này đã thầm mang ơn chàng trai thủ lĩnh ấy. Đó là hình ảnh đẹp của tên một vùng đất “khô cằn” đã biết vươn mình hướng đến tương lai giàu đẹp như hiện tại.

Ngày trước, các con đường hướng về Đam Rông phần lớn là đường đất đỏ trơn trượt như bôi mỡ vào mùa mưa, nhiều đoạn phải băng rừng, thậm chí lội qua dòng nước. Còn khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống là điều xa xỉ ở vùng đất “nghèo rớt mùng tơi” này.

Vì sao huyện Đam Rông lại “chết danh” với cụm từ nghèo khó ấy ! Bởi năm 2004, trên cơ sở sáp nhập ba xã nghèo phía Tây của huyện Lạc Dương, gọi là vùng Đầm Ròn và năm xã được liệt vào danh sách khó khăn của huyện Lâm Hà. Vì vậy, Đam Rông là sự kết hợp giữa các cái nghèo cũ thành một cái nghèo mới với quy mô lớn hơn !

Huyện Đam Rông cũng từng được ví von là cô con “gái út” đi lập nghiệp ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh và khó khăn nhất trong "đại gia đình" tỉnh Lâm Đồng. Có thời điểm bị liệt kê vào danh sách 62 huyện nghèo nhất cả nước. Chính vì vậy mà được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đến năm 2020. Người dân được hỗ trợ rất nhiều từ Trung ương đến các cơ quan ban ngành và nhà tài trợ.

Nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các cơ quan ban ngành và chính quyền địa phương, ngày nay vùng đất Đam Rông đã thay da đổi thịt với những diện mạo mới thật bất ngờ.

anh-2(3).jpg
Đường giao thông ở Đam Rông thay đổi diện mạo mới

Đam Rông hôm nay

Đến Đam Rông hôm nay bạn sẽ có cảm giác gần hơn rất nhiều bởi những sườn núi đã “cõng” những con đường bê tông, đường nhựa uốn cong êm ả dẫn lối vào trung tâm huyện.Thật sự, miền sơn cước ấy đã đổi thay đến ngỡ ngàng khiến những ai đã từng đến Đam Rông ở những thập kỷ trước không còn lưu lại kí ức nơi đây là…“xứ nghèo chồng nghèo”.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, vùng đất Đầm Ròn từ một miền quê khó khăn cùng cực đã thực sự…“thay da đổi thịt”. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, đời sống người đã được nâng cao. Người dân dần bỏ thói quen phá rừng làm nương rẫy, du canh du cư, đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Từ phương thức trồng trọt bằng cách “chọc lỗ, tra hạt”, người đồng bào đã biết áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và liên kết hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã đã và đang triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Liêng Hot Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông so sánh Đam Rông ngày mới thành lập với hiện tại như một bức tranh có hai sắc thái, một bên đơn điệu và một bên rực rỡ, vui tươi. Đam Rông có được ngày hôm nay là phải trải qua rất nhiều khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng khác trước rất nhiều, từ tư duy đến hành động.

Ngày trước có giai đoạn người đồng bào dân tộc thiểu số xem xe máy hay nhà xây tường gạch là sở hữu của người Kinh. Nhưng hiện nay nhà nào cũng có xe máy, nhiều nhà có cả ô tô. Một số hộ còn có nhà cửa xây dựng hiện đại. Ngay cả các phong tục, hủ tục lạc hậu như: Thách cưới, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, tục nối dây… ngày nay gần như không còn tồn tại ở vùng đất này.

Ngoài ra, người dân đã thay đổi ý thức, tự nguyện đề xuất hiến đất mở đường, dần thay đổi thói quen canh tác cũng là một trong những minh chứng cho việc tư duy của bà con đã khác xưa.

anh-3(1).jpg
Trẻ em người đồng bào đến trường đúng độ tuổi

Tư duy lao động sản xuất đã thay đổi tích cực, không còn tự cung tự cấp như xưa. Giờ đây, Đam Rông có nhiều sản phẩm có giá trị thặng dư cao, như: Trồng dâu nuôi tằm, sản xuất lúa gạo, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, cà phê… Trình độ dân trí của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ngày trước cực kỳ thấp, rất ít nói tiếng phổ thông, còn ngày nay trẻ em được đến trường đúng độ tuổi.

K’Chiêu, ngụ xã Đạ Tông, huyện Đam Rông là hộ gia đình đầu tư mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, kết hợp với trồng trọt và mang lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, trồng rau, trồng trái cây ăn quả… để mang lại thu nhập cao hơn, đẩy lùi dần tình trạng nghèo khó.

Mặc dù Đam Rông vẫn chưa hết nghèo nhưng đã đổi thay rất nhiều trong công cuộc phát triển gần hai thập kỷ qua. Có đi mới biết, có đến mới tường, dư địa thực tại vùng đất này còn rất nhiều tiềm năng. Điển hình, những dãy núi cao quanh năm sương giăng mờ khắp lối, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn cây cổ thụ, còn dòng suối nước nóng Đạ Long ngày đêm phun trào sùng sục, thác Bảy Tầng, thác Tình Tang nguyên sơ hùng vĩ…

Điều đặc biệt, vùng đất này còn truyền miệng từ đời này qua đời khác những bản trường ca của người M’nông còn dài hơn sử thi Iliat - Ôđixê của Hy Lạp và thiên anh hùng ca sử thi vỹ đại nhất Ấn Độ - Mahabharata và Ramayana.Cùng với đó, những đêm hội cồng chiêng vui nhộn cũng là di sản văn hoá phi vật thể để phát triển du lịch văn hoá.

Với tiềm năng về thiên nhiên và văn hoá trên đây, nếu chính quyền và người dân ở tiếp tục đồng lòng xây dựng thu hút đầu tư phát triển du lịch thì trong tương lai không xa, huyện Đam Rông sẽ còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế và đời sống người dân sẽ được nâng cao hơn cả về kinh tế và văn hoá.

Đình Du