Môi trường

Bình Sơn (Quảng Ngãi:) Bảo vệ môi trường biển, tạo sinh kế bền vững cho người dân

Võ Hà (thực hiện) 31/07/2024 - 18:34

Bình Sơn là địa phương có bờ biển dài, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên, việc gia tăng các hoạt động công nghiệp và khai thác quá mức của con người đã khiến môi trường ven biển tại đây đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Trước thực trạng này, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững, góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân vùng ven biển.

Để chia sẻ giải pháp của địa phương, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Sơn:

ong-hoang.jpg
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Sơn

PV: Thưa ông, thời gian qua, huyện Bình Sơn đã triển khai những giải pháp gì và đạt được kết quả như thế nào trong việc bảo vệ môi trường biển, nhất là vùng ven bờ?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Là một huyện ven biển, Bình Sơn rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường biển đảo và đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường biển. Cụ thể, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn huyện, đảm bảo sự điều hành, chỉ đạo liên tục đối với lĩnh vực này; lồng ghép tuyên truyền bảo vệ môi trường trong các sự kiện Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới.....

Qua đó, nhiều mô hình của các địa phương, các hội đoàn thể, phụ nữ, nông dân, thanh niên được nhân dân triển khai và đem lại hiệu quả bảo vệ môi trường như mô hình “Tử tế với sông Trà Bồng”; Chi hội “5 không ba sạch”; Mô hình “Ngày chủ nhật xanh”... từng bước nâng cao ý thức cộng đồng, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi ra môi trường và khu vực biển của người dân.

quangngai1.jpg
Người dân xã Bình Châu hưởng lợi từ việc khai thác bền vững nguồn lợi từ biển

Trong công tác thu gom chất thải rắn trên địa bàn, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị địa phương có liên quan tổ chức thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường; chỉ đạo Ban Quản lý Cụm công nghiệp và Đô thị huyện lập dự toán và đấu thầu/ký kết hợp đồng thu gom rác thải trên địa bàn thị trấn Châu Ổ và các xã lân cận, đảm bảo vệ sinh môi trường, xử lý rác thải đúng quy trình kỹ thuật. Tính đến nay, đã có 22/22 xã, thị trấn được thu gom rác thải, đạt 100%

Địa phương cũng tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường giám sát đặc biệt công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án lớn trên địa bàn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Nhà máy lọc Dung Quất, Nhà máy bột giấy VNT19. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Công an tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất, các đơn vị có liên quan kiểm tra định kỳ các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn huyện cũng như kiểm tra, giải quyết các kiến nghị của nhân dân có liên quan về công tác bảo vệ môi trường

PV: Hiện nay, huyện Bình Sơn đang đẩy mạnh việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn các hệ sinh thái đặc trưng nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân ven biển. Địa phương sẽ quan tâm đến những vấn đề gì để đảm bảo hài hòa giữa du lịch với bảo vệ đa dạng sinh học, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Hiện nay trên địa bàn huyện có nhiều điểm có thể phát triển du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái khu vực ven biển như hệ sinh thái rạn san hô Gành Yến và hệ sinh thái rừng ngập mặn Cóc trắng - Bàu Cá Cái, huyện Bình Sơn; Rừng dừa nước …Để đảm bảo hài hòa giữa du lịch với bảo vệ đa dạng sinh học, địa phương chú trọng phát huy lợi thế tài nguyên du lịch, nhất là du lịch nông thôn theo hướng bền vững; nhân rộng mô hình đồng quản lý cộng đồng ở các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa khác gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.

quangngai3.jpg
Phát triển du lịch ở rừng ngập mặn bàu Cá Cái góp phần đa dạng sinh kế cho người dân

Dựa trên hệ sinh thái đa dạng và văn hóa truyền thống được bảo tồn tương đối hiệu quả, địa phương chú trọng thực hiện quy hoạch các khu bảo tồn các loại sinh vật biển như san hô, rong mơ và có giải pháp huy động nhân dân phát huy, tái tạo các loài sinh vật, không khai thác đánh bắt bừa bãi. Tiến hành rà soát, tổ chức các các mô hình phát triển du lịch cộng đồng theo hướng khai thác gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản, sinh vật; thực hiện giám sát, xử lý các hành vi khai thác gây hại đến nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật cần bảo tồn.

Thông qua các hoạt động tập huấn, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng ngư dân, tạo sự thay đổi trong nhận thức về vị trí và vai trò của công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển. Bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng ban đầu cho đồng bộ, hỗ trợ cho cộng đồng trong giai đoạn đầu để tạo động lực đẩy mạnh phát triển du lịch, bảo tồn sinh học.

PV: Thời gian tới, để bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển kinh tế bền vững, tạo sinh kế giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, huyện Bình Sơn sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Nhận thức rõ của việc vảo vệ môi trường biển giữ gìn nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển kinh tế bền vững, tạo sinh kế giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, thời gian đến huyện Bình Sơn sẽ triển khai hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hình thức khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, tình trạng xâm phạm khu bảo tồn biển.

quangngai2.jpg
Người dân Bình Sơn giữ rừng ngập mặn để phát triển du lịch

Chúng tôi cũng sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hỗ trợ các tổ này trong công tác bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng, ngư dân, tạo sự thay đổi trong nhận thức về vị trí và vai trò của công tác bảo tồn biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp với văn hóa của từng địa phương, ưu tiên đưa một số nội dung về bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào trường học.

Bên cạnh đó, địa phương tích cực tổ chức và phối hợp với các tổ cộng đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Võ Hà (thực hiện)