Quảng Ninh: Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
(TN&MT) - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, cùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Đến cuối năm 2023, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo và hơn 3.000 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Nghị quyết 20-NQ/TU ngày 27/11/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu: Đến hết năm 2024, toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023- 2025.
Để đạt được kết quả này, từ năm 2019 đến nay, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 12 nghị quyết về cơ chế, chính sách, định mức đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành 1 chương trình hành động, 16 quyết định phê duyệt đề án, chủ trương đầu tư, triển khai thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, thực hiện chương trình tổng thể, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, lao động, dạy nghề.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chính sách hiệu quả, cũng như quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể tiếp tục vận động nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS tại các xã vùng cao.
Nhờ vậy, trong giai đoạn 2017- 2020, tỉnh đã bố trí 1.700 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa để đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 trước 1 năm. Giai đoạn 2021-2025, ngân sách các cấp trong toàn tỉnh dành khoảng 8.200 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, đề án liên quan đến vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Từ đó, hạ tầng giao thông, kỹ thuật vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được kiên cố hóa, đồng bộ, hiện đại, liên thông với các tuyến quốc lộ, cao tốc, kết nối liên kết vùng. Một loạt các công trình giao thông khu vực đồng bào DTTS được hoàn thành trong thời gian vừa qua, như: Tuyến đường tỉnh 341 nối cửa khẩu Móng Cái với cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà; tuyến đường 31 nối Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn; tuyến đường Đồng Sơn - Kỳ Thượng, tại TP.Hạ Long; tuyến đường tỉnh 342 qua huyện Ba Chẽ kết nối với tỉnh Lạng Sơn.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết: Là xã vùng sâu, vùng xa của TP.Hạ Long, nên tuyến đường nối từ xã Đồng Sơn đến Kỳ Thượng được hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp bà con đi lại thuận tiện, trao đổi hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp của địa phương và giúp trẻ nhỏ đi học dễ dàng. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo giảm, số hộ khá giả trên địa bàn tăng lên rõ rệt.
Tại các xã vùng cao thuộc các huyện miền núi như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà đều quyết liệt triển khai chính sách phát triển kinh tế- xã hội, quan tâm công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Một trong những điểm chung nhất trong những nỗ lực ấy là những cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước chỉ đóng vai trò khuyến khích, hỗ trợ để khơi dậy động lực vươn lên của người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Bằng những chính sách hiệu quả, kịp thời như: Hỗ trợ giới thiệu học nghề, đào tạo việc làm tại chỗ để phát triển sản xuất, kinh doanh sau học nghề; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để chăn nuôi hay đầu tư buôn bán; thiếu tư liệu sản xuất thì được hỗ trợ cây trồng, con giống, đất đai, tư vấn mô hình sinh kế phù hợp; khó khăn về nhà ở thì được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm tình thương. Thông qua đó, đã giúp hàng nghìn hộ dân vùng sâu, vùng xa vươn lên phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững, an cư lạc nghiệp.
Cùng với đó, trường, lớp học được đầu tư khang trang, với những chính sách hỗ trợ học phí, tiền ăn bán trú cho học sinh, đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho con em vùng đồng bào DTTS đến lớp. Do vậy, đến nay không còn hiện tượng học sinh bỏ học ở lứa tuổi dưới 15 và đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, THCS mức độ 3; 100% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vùng DTTS được tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đào tạo, dạy nghề và giới thiệu việc làm, qua đó tỷ lệ thanh niên, lao động qua đào tạo được nâng lên rõ rệt. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tại vùng DTTS hiện nay đạt 86,46%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%.
Ông Lục Thành Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thời gian tới, Quảng Ninh thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn đạt khoảng 5.000 USD/người/năm, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Từng bước nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS, gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.