Xã hội

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững

Minh Khang 31/07/2024 - 17:15

(TN&MT) - Huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) là địa phương có nhiều xã vùng sâu, vùng xa và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do vậy, huyện luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và cách làm thiết thực, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, qua đó đời sống của người nghèo không ngừng được nâng lên. Với những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, năm 2023, Đồng Hỷ đã giảm tỷ lệ hộ nghèo, đạt 3,48%, vượt kế hoạch đề ra.

Thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững

Là huyện miền núi, dân số hơn 100 nghìn người, 32 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,4% dân số lãnh đạo huyện Đồng Hỷ đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

che5-1-2023_20230105103429.jpg
Hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp vào trồng chè giúp tăng năng suất

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện Đồng Hỷ triển khai 10 dự án với tổng nguồn vốn hơn 120 tỷ đồng để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hỗ trợ người dân tạo sinh kế và những điều kiện cần thiết về nước sinh hoạt, nhà ở để giảm nghèo bền vững. Cụ thể, triển khai dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đồng Hỷ đầu tư hơn 52 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa 22 nhà văn hóa, 29 công trình đường giao thông, cống qua đường và 1 công trình lớp học.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Đồng Hỷ cũng chú trọng công tác hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật giúp người dân, đặc biệt là người nghèo nâng cao năng lực, từ đó xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Ngoài triển khai các chương trình hỗ trợ làm nhà, cây, con giống phát triển sản xuất thì công tác dạy nghề, tạo việc làm cũng được huyện Đồng Hỷ chú trọng đối với lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Sau khi học nghề, lao động được giới thiệu việc làm hoặc có khả năng tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Tính riêng từ năm 2022 đến nay, UBND huyện Đồng Hỷ đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 2 ngày hội việc làm, kết nối 36 đơn vị doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng cho gần 2.000 lao động là người dân tộc thiểu số tham gia tiếp nhận thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp.

Huyện cũng tổ chức 17 lớp đào tạo nghề cho trên 500 lao động nông thôn, kết thúc lớp đào tạo 100% học viên được cấp chứng chỉ nghề và 80% học viên có việc làm...

Việc lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với công tác giải quyết việc làm đã giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có điều kiện thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.

Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025, huyện Đồng Hỷ có 2.814 hộ nghèo người; đến nay đã giảm còn 1.816 hộ. Tính riêng trong 2 năm qua, trên địa bàn huyện giảm 998 hộ nghèo, tương ứng với 8,38% (vượt 5,3% kế hoạch)...

hocvien.jpg
Hỗ trợ người dân đào tạo nghề

Chia sẻ về kết quả giảm nghèo đa chiều của huyện Đồng Hỷ, ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ cho biết: Lãnh đạo huyện xác định quan điểm thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, hỗ trợ có điều kiện và tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo. Trên cơ sở đó, thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với địa bàn khó khăn; có chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn có tỷ lệ nghèo đa chiều cao.

Bên cạnh đó, huyện cũng huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo, thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, lãnh đạo huyện Đồng Hỷ rất quan tâm tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giảm nghèo và giám sát thực hiện Chương trình với quyết tâm đồng hành đến cùng, không để hộ nào bị bỏ lại phía sau và không để hộ nào tái nghèo.

Năm 2024, phấn đấu giảm gần 400 hộ nghèo

Với đặc thù là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông, Dao, Tày Nùng sinh sống, đời sống của người dân còn không ít khó khăn. Mục tiêu của Đồng Hỷ đến năm 2025 là huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Bởi vậy, công tác giảm nghèo được coi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Trước mắt, năm 2024, Đồng Hỷ phấn đấu giảm 387 hộ nghèo và giảm 130 hộ cận nghèo. Để hoàn thành mục tiêu này, UBND huyện đã giao nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch giảm nghèo, tập trung vào những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

ocop1.jpg
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ cho biết, huyện sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác giảm nghèo. Trong đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án để hỗ trợ cho người dân làm nhà ở; phát triển sản xuất; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư, nâng cao đời sống, phòng ngừa thiệt hại do nguy cơ sạt lở, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh chính trị khu vực dân cư thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng của huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên trong Nhân dân.

Minh Khang