Tài nguyên nước

Thừa Thiên - Huế: Nỗ lực cấp nước sạch an toàn, bền vững

Văn Dinh 30/07/2024 - 16:05

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã không ngừng đầu tư trang thiết bị và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm cấp nước an toàn, ổn định cho người dân từ nông thôn đến thành thị, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Gần hai năm trước, bà con nhiều thôn, bản của vùng cao huyện Nam Đông vui mừng khôn xiết bước sang một "trang mới" không còn phải sử dụng nguồn nước mất vệ sinh khi nhà máy nước sạch hiện đại được đưa vào hoạt động.

Tại căn nhà của vợ chồng anh Trần Văn Kim và chị Hồ Thị Ban (thôn Ta Rinh, xã Thượng Nhật) rộn ràng tiếng trẻ nhỏ nô đùa bên dòng nước sạch mát rượi. Vừa giặt áo quần vừa cười nói vui vẻ, chị Ban cho biết, hàng chục năm qua, người dân trong thôn "ước" có nước sạch để sử dụng.

"Trước đây đi kiếm nước sạch khổ lắm nên bà con thường dùng nước giếng và khe suối; biết là dùng thế không đảm bảo cho sức khỏe nhưng phải chịu thôi. Từ ngày có nước, chúng tôi vui lắm, vui đến mất ăn mất ngủ. Nước sạch về thôn là điều mà người dân bao đời nay mong mỏi", chị Ban thổ lộ.

nguoi-dan-mien-nui-nam-dong-vui-mung-khi-co-nuoc-sach.jpg
Người dân miền núi Nam Đông vui mừng khi có nước sạch

Từ khi có Nhà máy nước Thượng Long với công suất 2.000m3/ngày đêm, nhiều bà con ở xã Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Long... đã được sử dụng nguồn nước sạch gần nhà. Từ thời điểm đó đến nay, người dân ở huyện vùng cao này (với khoảng 44,5% dân tộc thiểu số) có tỷ lệ dùng nước sạch từ 44% lên trên 80%.

Ông Dương Quý Dương - Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên - Huế (HueWACO) cho biết, đến nay đơn vị đang cấp nước cho hơn 1,2 triệu dân (trong đó có hơn 500.000 dân khu vực nông thôn), đạt hơn 97% dân số toàn tỉnh với gần 5.000km đường ống và 30 nhà máy xử lý nước ở khắp địa bàn tỉnh, trong đó có 7 nhà máy lớn, công suất từ 5000 - 82.500m3/ngày đêm. Thời gian qua, HueWACO không ngừng đầu tư, nâng cấp, mở rộng mạng lưới, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch tới người dân, giám sát chặt chẽ từ đầu nguồn đến tận nhà của người sử dụng.

thi-cong-lap-dat-cac-tuyen-ong-dam-bao-cap-nuoc-an-toan-tren-dia-ban-toan.jpg
Thi công, lắp đặt các tuyến ống đảm bảo cấp nước an toàn trên địa bàn toàn tỉnh

Cụ thể, HueWACO đã nâng cấp cải tạo các nhà máy, đồng thời, để đảm bảo an ninh về chất lượng nguồn nước khai thác, đơn vị đã quy hoạch ở khu vực thượng nguồn và vị trí cao theo quy hoạch cấp nước đồng bộ, bền vững toàn tỉnh và liên vùng được UBND tỉnh phê duyệt, không ngừng nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; lắp đặt 4 trạm quan trắc chất lượng nước nguồn sông Hương, sông Bồ, sông Truồi và sông Ô Lâu; lắp đặt thiết bị giám sát chất lượng nước online (độ đục, pH, Clo dư) ở mỗi công đoạn (nguồn - lắng - lọc - bể chứa) các nhà máy xử lý nước và 20 trạm giám sát chất lượng nước trên mạng lưới. Các thiết bị giám sát chất lượng nước được kết nối về Trung tâm vận hành tự động hệ thống cấp nước nên kịp thời theo dõi và xử lý các sự cố xảy ra trong quá trình xử lý nước.

Từ năm 2017 đến nay, ngành nước Thừa Thiên - Huế đã nghiên cứu ứng dụng thành công nhiều đề tài duy trì cấp nước an toàn, nhất là trong mưa lũ và sáng kiến bể lắng lọc thông minh, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, sáng tạo về công nghệ xử lý nước, xử lý hiệu quả các nguồn nước có độ đục cao và đã áp dụng thành công tại nhà máy Quảng Tế 2, Tứ Hạ, Phong Thu... Đặc biệt, mới đây, HueWACO đã vừa đưa vào vận hành Nhà máy nước Vạn Niên (TP. Huế) công suất 120.000m3/ngày đêm (giai đoạn 1: 60.000m3/ngày đêm), được xem là nhà máy nước có quy mô lớn nhất tỉnh.

Tuy nhiên, việc đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tại các nhà máy sử dụng nguồn nước khe suối trong mùa nắng nóng trên địa bàn 2 huyện Phú Lộc, A Lưới. Nhiều nhà máy công nghệ đơn giản, cũ, lạc hậu, phân bố rải rác trên địa bàn toàn tỉnh, chi phí đầu tư hệ thống cấp nước ở khu vực nông thôn rất lớn nhưng doanh thu không cao nên ngành nước phải bù chéo giá...

"Ngành nước cũng đã và đang học hỏi nhiều đơn vị cấp nước trên toàn quốc về kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý và phát triển hoạt động cấp nước đô thị hiện đại, qua đó phấn đấu nhiều hơn nữa với mục tiêu cấp nước an toàn cho 100% dân số toàn tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế", ông Dương chia sẻ.

hon-97-dan-so-toan-tinh-thua-thien-hue-da-su-dung-nuoc-sach.jpg
Hơn 97 % dân số toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được sử dụng nước sạch

Cũng theo lãnh đạo HueWACO, đơn vị sẽ hướng đến chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hành, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước sạch; xây dựng các phương án, kế hoạch chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước cho sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh...; nâng cấp, cải tạo nhà máy xử lý nước và mạng lưới hiện có, xây dựng mới nhà máy, trạm trung chuyển điều áp, mở rộng mạng lưới cấp nước nhằm duy trì cấp nước an toàn, đảm bảo chất lượng nước, lưu lượng, áp lực hợp lý. Đồng thời, nỗ lực bảo vệ môi trường, tránh khai thác nước ngầm trái phép, tạo sự phát triển bền vững cho khu vực, thu hút đầu tư, kích thích phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, tiến đến phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung toàn tỉnh.

Văn Dinh