Đất đai

Quảng Bình: Quyết liệt xử lý các dự án sử dụng đất chậm tiến độ

Thanh Tùng 30/07/2024 - 15:40

(TN&MT) - Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình, dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ hoặc không đưa đất vào sử dụng; kiên quyết tham mưu thu hồi đất đối với các dự án vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nhiều dự án chậm tiến độ bị điểm tên

Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình mới đây đã có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công khai danh sách các dự án sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Theo danh sách này, khá nhiều các dự án chậm tiến độ sử dụng đất bị điểm tên; các dự án chủ yếu tập trung tại các huyện: Quảng Trạch, Lệ Thủy, Bố Trạch và Tuyên Hóa.

Cụ thể, tại huyện Quảng Trạch, kho xăng dầu DKC Hòn La của Công ty CP đầu tư DKC Hòn La thuê gần 40.000m2 nhưng hiện chưa hoàn thành các hạng mục của dự án; Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn của Công ty TNHH môi trường xanh Miền Trung, sử dụng 42.942.4m2 đất nhưng cũng chưa hoàn thành các hạng mục; Trang trại nông sản sạch Gia Hưng của Công ty TNHH Thương mại và Vận tải Quảng Hà thuê 9.940m2 đất nhưng không sử dụng đất trong 12 tháng liên tục; Dự án xây dựng Cơ sở thu mua, chế biến và kho chứa, sân phơi sản phẩm nông sản của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Trường Quân thuê 5.000m2 đất nhưng cũng không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục.

quangbinh.jpg
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn được xây dựng cạnh bãi rác tại xã Quảng Tiến chậm tiến độ nhiều năm khiến lượng rác thải tại đây ngày một tăng lên. Ảnh: Thanh Tùng

Tại huyện Lệ Thủy, dự án đầu tư nhà máy chế biến tinh quặng titan và nghiền zircon của Công ty TNHH khoáng sản Châu Thành; xây dựng cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; nhà máy sản xuất gạch không nung và nhà máy oxy Lệ Thủy của Công ty TNHH XDTH Sông Giang; nhà máy may xuất khẩu VHC của Công ty CP Đầu tư phát triển VHC, đều thuê diện tích đất khoảng 20.000m2/dự án nhưng chỉ mới thực hiện các hạng mục phụ, chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Tại huyện Bố Trạch, một số dự án dịch vụ phục vụ du khách như khu nghỉ dưỡng kết hợp trang trại của Công ty TNHH TMDV Sơn Thắng, thuê 24.335m2 đất; dự án xây dựng trạm dừng chân phục vụ du khách kết hợp di dời cửa hàng xăng dầu Phong Nha của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát, thuê 13.678m2 đất, cũng chỉ mới san lấp mặt bằng hoặc trồng cây xanh.

Tại huyện Tuyên Hóa, dự án nhà máy sản xuất bột đá vôi chất lượng cao Linh Thành của Công ty khai thác và sản xuất bột đá Linh Thành - QB thuê đến 123.269m2 nhưng chưa xây dựng các hạng mục công trình. Ngoài ra, một số dự án chậm tiến độ sử dụng đất tại huyện Quảng Ninh và TX. Ba Đồn cũng được Sở Tài nguyên và Môi trường nhắc tên. Đó là: Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Khe nước Lạnh (huyện Quảng Ninh), Dự án Xây dựng Cửa hàng xăng dầu tại xã Gia Ninh (huyện Quảng Ninh), Dự án Khu du lịch sinh thái, hội nghị và giải trí Green Resort (TX. Ba Đồn).

Không để thất thoát tài nguyên đất đai

Theo báo cáo của các sở, ngành tỉnh Quảng Bình, đến tháng 4/2024, trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh có 181 dự án được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 113.000 tỷ đồng, diện tích đất theo chủ trương đầu tư 1.173 ha. Số dự án đã được giao đất, cho thê đất 144 dự án, trong đó 100 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 32 dự án đã được giao đất nhưng chậm tiến độ triển khai, 10 dự án thực hiện bảo đảm tiến độ, 2 dự án đang tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy, số dự án chưa được giao đất, cho thuê đất, đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là 37 dự án, trong đó 10 dự án chậm tiến độ, 27 dự án bảo đảm tiến độ. Các dự án bị thu hồi do chậm tiến độ trong khu kinh tế, khu công nghiệp là 18 dự án. Bên cạnh đó, đối với khu vực ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp, có 662 dự án nhà đầu tư đề nghị giao đất, cho thuê đất đã được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, nhiều dự án vẫn chậm tiến độ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, công trình, dự án bị chậm tiến độ sẽ chịu tác động của nhiều loại chi phí và các chi phí này liên tục tăng, từ giá nhân công, vật liệu, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án... gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế. Trước thực trạng trên, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình đã tổ chức giám sát đầu tư đối với 105 dự án, trong đó chủ trì, tổ chức kiểm tra thực địa để giám sát đầu tư 30 dự án và ban hành văn bản đốc thúc tiến độ, yêu cầu báo cáo giám sát đầu tư, thực hiện các thủ tục pháp lý đối với 75 dự án.

Phát biểu tại cuộc họp về kết quả đánh giá, giám sát đầu tư đối với các dự án của nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư đối với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ nhà đầu tư có chủ trương đầu tư triển khai các dự án vẫn còn thấp, trong đó có nhiều nguyên nhân như biến động của thị trường bất động sản; trách nhiệm của nhà đầu tư trong thực hiện cam kết với tỉnh; việc thực hiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác phối hợp giữa các sở, ngành chưa chặt chẽ...

Theo ông Trần Thắng, tinh thần của tỉnh là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư để triển khai dự án, trong đó kịp thời động viên, biểu dương các dự án triển khai hiệu quả, có sự đóng góp tích cực cho tỉnh; tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai các dự án đang triển khai. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan kiên quyết xử lý, tham mưu UBND tỉnh thu hồi dự án, thu hồi chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật đối với các dự án vi phạm quy định pháp luật, nhà đầu tư thiếu tâm huyết, thiếu thiện chí, cố tình kéo dài thời gian hoặc không triển khai; tuyệt đối không được làm thất thoát ngân sách, tài nguyên đất đai và các tài nguyên khác.

Thanh Tùng