Biến đổi khí hậu

Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó với sự cố thiên tai

Anh Dũng 30/07/2024 - 14:26

Những năm qua, thiên tai ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Để triển khai thực hiện tốt các kế hoạch của Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 của Chính phủ, Đà Nẵng đã chủ động xây dựng và thực thi các công tác phòng, chống, ứng phó với sự cố thiên tai.

h1.jpg
Những năm gần đây, người dân đô thị Đà Nẵng thường xuyên phải hứng chịu những đợt ngập nước nghiêm trọng

Bài học kinh nghiệm

Năm 2023, Thành phố chịu ảnh hưởng của 14 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, gây ra 4 đợt rét từ tháng 1- 3/2023 và tháng 11-12/2023. Nắng nóng tại thành phố bắt đầu từ nửa cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8/2023; xảy ra 8 đợt nắng nóng diện rộng với cường độ gay gắt hơn so với năm 2022.

Năm 2023 tại thành phố xảy ra 6 đợt mưa lớn diện rộng, 2 đợt mưa lớn cục bộ và 1 ngày mưa lớn. Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến hết tháng 12/2023 tại thành phố Đà Nẵng phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), đạt khoảng 90-130% TBNN, riêng một số nơi vùng đồng bằng ven biển ở ngưỡng cao hơn trung bình nhiều năm và đạt khoảng 130-160% TBNN.

Công tác khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023 đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả với sự tham gia đồng bộ từ Trung ương đến thành phố, thành phố đến địa phương; qua đó, góp phần kịp thời ổn định cuộc sống nhân dân, khôi phục sản xuất,... sau thiên tai.

Qua tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2023 vào tháng 3/2024 đã đề ra bài học kinh nghiệm như: Công tác phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, dựa vào nhân dân là chính, chính quyền cơ sở là chính. Đầu tư trong giai đoạn phòng ngừa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với giai đoạn ứng phó, khắc phục hậu quả. Công tác chỉ huy, điều hành, sơ tán dân phải bám sát diễn biến tình huống thiên tai, chủ động, kiên quyết triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, sát thực tiễn của từng địa bàn, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, ứng phó kịp thời với thiên tai tại cơ sở mang yếu tố quyết định.

Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đóng vai trò then chốt và phải luôn được nâng cao, hiện đại hóa nhằm cung cấp kịp thời, chính xác nhận định, diễn biến và dự báo xu hướng, thời điểm, phạm vi và mức độ xảy ra thiên tai trên địa bàn cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại.

h2.jpg
Quận Thanh Khê (Đà Nẵng) ra quân khơi thông cống rãnh trên địa bàn quận

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, thông tin về phòng, chống thiên tai phải được truyền tải thường xuyên, đầy đủ, chính xác và kịp thời đến với chính quyền các cấp và người dân; phải đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Lực lượng ứng phó và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn cần được bố trí sẵn sàng tại các khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao để đáp ứng kịp thời xử lý nhanh các tình huống thiên tai.

Hằng năm, trước mùa mưa bão, chính quyền các cấp đều phải chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời kiểm tra điều kiện an toàn của từng hộ trong khu dân cư, vận động nhân dân chủ động dự trữ lương thực, nước uống, các nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men để sử dụng khi cần thiết. Đồng thời, mỗi gia đình phải có ý thức tự bảo vệ mình, không chủ quan trước thiên tai và không ỷ lại vào chính quyền.

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng, thủy văn, thời gian tới, tình hình thiên tai năm 2024 diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, nguy cơ cao xảy ra các đợt nắng nóng, hạn hán, bão mạnh và mưa, lũ lớn tác động trực tiếp đến TP. Đà Nẵng.

Để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với thiên tai và các tình huống tai nạn, thảm họa do thiên tai, ngày 15/6/2024, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về công tác PCTT&TKCN năm 2024.

h3.jpg
Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó với sự cố thiên tai

Tiếp đó, ngày 8/7/2024, Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng đã có Thông báo số 301/TB-VP về Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố (Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố) Lê Trung Chinh tại Hội nghị chuyên đề phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến công tác PCTT&TKCN năm 2024.

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khẩn trương hoàn chỉnh Phương án phòng chống và khắc phục hậu quả với một số kịch bản thiên tai sớm trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan kiểm tra hiện trạng các hồ đập và đề xuất sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo an toàn.

Giao các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố, thủ trưởng các sở ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục triển khai, phối hợp chặt chẽ, thống nhất để thực hiện công tác PCTT&TKCN, không để gián đoạn nhất là vào thời kỳ cao điểm có nguy cơ xảy ra bão, mưa lũ.

Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm rà soát các khu vực xung yếu (ngập lụt nặng, sạt lở,...) đảm bảo sát với tình hình thực tế tại địa phương và phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, triển khai cắt tỉa cây xanh, nạo vét khơi thông cống rãnh,... theo phân cấp quản lý hoàn thành trước ngày 31/8/2024; lưu ý kiểm tra, xử lý thường xuyên các cửa thu để đảm bảo thoát nước; đồng thời tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân để chủ động ứng phó với thiên tai, tích cực trong việc khơi thông cống rãnh,…

Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, khu vực xung yếu, đặc biệt là các khu vực ngập lụt cục bộ trong các năm gần đây (khu vực Mẹ Suốt, quận Liên Chiểu; khu vực Khe Cạn, quận Thanh Khê,...).

Anh Dũng