E-magazine: Tạo đất lành cho voọc mông trắng ở Vân Long
Môi trường - Ngày đăng : 08:01, 30/07/2024
Sau hơn 20 năm thực hiện bảo tồn, số lượng voọc mông trắng ở Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) đã tăng lên gấp 8 lần. Điều đó cho thấy những nỗ lực của các cán bộ bảo tồn đã đi đúng hướng.
Bảo tồn voọc mông trắng hay bất kỳ một loài sinh vật nào là cả một quá trình. Để voọc mông trắng tăng trưởng và phát triển như hiện nay đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ giải cứu, chăm sóc đến tái thả ra tự nhiên. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - quản lý Tổ chức bảo tồn linh trưởng Three Monkeys cho biết trong hơn 20 năm qua, Hội động vật học Frankfurt và tổ chức của bà đã tham gia nhiều chuyến giải cứu voọc. Các con voọc non bị đem bán thường rất nhỏ, thậm chí còn chưa đổi màu lông, phần lớn bị bỏ đói, không được cho ăn. Sau khi được giải cứu, các nhà bảo tồn và kiểm lâm đã dành nhiều thời gian chăm sóc chúng.
"Chúng tôi đặt báo thức canh giờ cho voọc ăn. Trong các loài linh trưởng như vượn và khỉ, voọc là loài kém phát triển nhất, có cấu tạo dạ dày như trâu bò. Do đó, voọc chỉ ăn được thực vật, khi bắt ra khỏi rừng, chúng rất nhạy cảm. Đối với những con voọc non, chúng tôi cân đối lượng sữa cho ăn vừa đủ để tránh thừa chất. Khi voọc khỏe mạnh, lớn dần, chúng tôi tập cho chúng làm quen lại với môi trường bán hoang dã rồi mới thả về lại tự nhiên", bà Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.
Để bảo tồn loài voọc mông trắng một cách hiệu quả, điều quan trọng là phải tạo được không gian an toàn cho chúng sinh sống và phát triển, bao gồm tạo không gian sống hài hòa với cộng đồng địa phương và khôi phục rừng.
Ông Nguyễn Văn Linh - Kiểm lâm của Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long chia sẻ, trước năm 2000, khu vực núi đá vôi ở Vân Long từng "trắng xóa", không có bóng cây. Một phần do người dân khai thác, phần khác do hoạt động chăn thả gia súc ăn hết cây cỏ. Để tìm lại màu xanh cho các cánh rừng, sau khi được thành lập, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đã triển khai nhiều cách làm, bao gồm thuyết phục người dân không chăn thả dê trên núi để cây cối có thể mọc lại.
Khi đã có rừng, một vấn đề khác được đặt ra là giữ rừng, bảo vệ rừng. Từ những ngày đầu hoạt động, các kiểm lâm viên của Ban quản lý đã dành hàng tháng đóng tại cửa rừng để quản lý, bảo vệ. Lực lượng bảo vệ rừng của Hội động vật học Frankfurt cũng hỗ trợ 20 nhân viên, cùng với lực lượng Ban quản lý, UBND xã đóng ở các cửa rừng, tuần tra bảo vệ rừng liên tục trong nhiều năm liền. Việc ngủ qua đêm tại rừng cũng trở thành chuyện thường đối với các thành viên Ban quản lý. Nhờ vậy, màu xanh giờ đã trở lại trên các ngọn núi ở Vân Long, tạo thành một hệ sinh thái lý tưởng cho voọc sinh sống.
Dù vậy, việc bảo vệ "đất lành" cho voọc không chỉ ở nỗ lực của Ban quản lý mà còn phụ thuộc vào người dân địa phương. Ban quản lý Khu bảo tồn Vân Long ngay từ đầu đã xác định rõ quan điểm không di dời cộng đồng vùng lõi ra ngoài và thực hiện bảo tồn dựa vào người dân.
Để làm được điều này, không chỉ dừng ở những nỗ lực tuyên truyền thông thường, các thành viên Ban quản lý và cả các nhà bảo tồn đã có cách tiếp cận rất độc đáo, đó là đến tận nhà, kết bạn, làm quen với dân.
Kể lại câu chuyện những ngày đầu đi thuyết phục người dân địa phương từ bỏ nghề đi rừng, bà Nguyễn Thị Thu Hiền nói: "Chúng tôi tiếp xúc, nói chuyện và truyền cảm hứng cho họ. Sau đó, những người thợ săn trước đây, các bác, các chú cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn thông qua cả các cuộc trò chuyện về chuyên môn và về tình cảm. Chúng tôi hay nói vui rằng mình đã cống hiến ‘lá gan’ cho bảo tồn, tức là chúng tôi đến nhà dân chơi, ăn uống, nhậu với họ. Phải làm thân với mọi người thì mới thuyết phục được mọi người tham gia cùng mình".
Để tăng hiệu quả bảo tồn, Ban quản lý Khu bảo tồn Vân Long còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thâm vấn với người dân để lắng nghe tâm tự nguyện vọng, truyền đạt cho họ về các quyết định, chỉ đạo và có cách đảm bảo sinh kế cho người dân như hỗ trợ phát triển du lịch, tìm kiếm sinh kế mới.
“Sau này, những người thợ săn đã chuyển sang nghề mới, phát triển kinh tế tốt họ còn quay lại cảm ơn. Họ nói rằng nếu chỉ bám nào nghề rừng chỉ có thể kiếm đủ để đốt củi, để ăn chứ không thể có tiền phát triển kinh tế gia đình”, ông Nguyễn Văn Linh kể lại.
Giờ đây, vọoc và người dân cũng sinh sống gần gũi với nhau hơn. Có những ngày, vọoc từ vách núi còn nhảy lên mái nhà của người dân sống tại thôn Vườn Thị bày trò nghịch ngợm. Bản thân người dân cũng rất chào đón vọoc “ghé chơi”.
“Để có được thành công như hôm nay, sự ủng hộ của người dân đóng vai trò rất lớn, họ ko quan tâm đến đi rừng, giờ họ muốn ngắm cảnh, ngắm vọoc. Có khách từ nơi khác tới, họ cũng muốn mời vào xem vọoc và rất thích thú với sự thay đổi này”, ông Nguyễn Văn Linh tâm sự.
Bài: MINH HẠNH
Trình bày: TÙNG QUÂN