Xã hội

Bắc Giang: Hoàn thành nhiều dự án hỗ trợ sinh kế cho người nghèo

PV 29/07/2024 - 22:07

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện đã thực hiện 135 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong đó có 5 dự án trồng trọt và 130 dự án chăn nuôi, tổng số hộ hưởng lợi 1.590 hộ nghèo, 1.260 hộ cận nghèo tham gia, 330 hộ thoát nghèo.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2025. Theo đó, tổng hợp số liệu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023 của toàn tỉnh như sau: Tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh là 28.773 hộ/477.385 tổng số hộ dân toàn tỉnh tại thời điểm điều tra, cụ thể như sau: Hộ nghèo 12.558 hộ, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm so với năm 2022 là 5.388 hộ, tương đương với tỷ lệ giảm 1,18%; Hộ cận nghèo 16.215 hộ, chiếm tỷ lệ 3,40% giảm so với năm 2022 là 3.582 hộ, tương đương với tỷ lệ giảm 0,8%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng. Huyện Sơn Động giảm 5,23% (giảm từ 20,82% năm 2022 xuống còn 15,59% năm 2023) vượt mục tiêu kế hoạch (mục tiêu 4%).

1(2).jpg
Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân

Đến nay tỉnh chưa có kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 để so sánh chính xác các chỉ số dịch vụ xã hội với đầu kỳ nhưng qua nhận định chung các chỉ số dịch vụ xã hội đều có cải thiện tích cực thông qua việc nhận diện đời sống của nhân dân được cải thiện nâng lên đáng kể, mục tiêu, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh và 10/10 huyện, thị xã, thành phố hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch; các hoạt động an sinh xã hội triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, bao trùm các đối tượng trong toàn tỉnh, cải cách hành chính đạt nhiều kết quả tích cực đáp ứng sự hài lòng của Nhân dân. Dự kiến tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024.

Về kết quả 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy, tỉnh đã hoàn thành 100% các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất được phân bổ vốn, nhằm tạo việc làm, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 65% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất; Hỗ trợ 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động (có sức lao động) có việc làm ổn định; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình, chính sách giảm nghèo.

Truyền thông về giảm nghèo đa chiều, tỉnh đã phối hợp với Hội nhà báo tổ chức cuộc thi “Bắc Giang chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”; xây dựng 6 phóng sự tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên đài PT&HT tỉnh, Báo Bắc Giang và báo Trung ương… In ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững: 48.000 tờ rơi và 120 pano, khẩu hiệu tuyên truyền; hàng tháng cập nhật tin, bài liên quan đến giảm nghèo trên trang thông tin điện tử của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

Các cấp huyện tổ chức 25 hội nghị tập huấn, đối thoại cho 3.075 người nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở; phối hợp với các cơ quan báo chí sản xuất mới các tác phẩm báo chí xây dựng 42 tin bài trên truyền hình; 185 sản phẩm truyền thông; sản xuất 460 pano, băng rôn khẩu hiệu để cung cấp nội dung thiết yếu cho xã hội…

Theo Kế hoạch, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hết năm 2025 còn 0,9%. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm trên 4%, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%. Đến hết năm 2025, huyện Sơn Động thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh không phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo là người có công với cách mạng.

Theo đó, Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững năm 2025 thực hiện 7 dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.

Để thực hiện có hiệu quả chương trình, tỉnh Bắc Giang sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo kiến thức trong lao động, sản xuất, sinh kế để chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội giảm nghèo. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo bền vững các cấp, đảm bảo đủ năng lực để tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Huy động tối đa nguồn lực, kết hợp lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế cho người nghèo.

PV