Xã hội

Lục Ngạn (Bắc Giang): Giảm nghèo thông qua nội lực cộng đồng

Bảo Hà 29/07/2024 - 22:05

Dự án hỗ trợ ngựa thương phẩm trên địa bàn xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn đã tạo cơ hội giúp Tổ cộng đồng có việc làm, nâng cao thu nhập đời sống và vươn lên thoát nghèo, qua đó, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo của địa phương.

2.png
Huyện Lục Ngạn đã tạo cơ hội giúp Tổ cộng đồng có việc làm, nâng cao thu nhập đời sống và vươn lên thoát nghèo

Theo ông Bằng Văn Nông cán bộ Khuyến nông xã Kim Sơn cho biết, đầu năm 2024 xã đã giao cho thôn Đồng Láy tổ chức họp dân để bình xét, lựa chọn các hộ dân tham gia Tổ cộng đồng trình Chủ tịch UBND xã ban hành quyết định thành lập Tổ cộng đồng thôn Đồng Láy theo quy định. Tổ cộng đồng thôn Đồng Láy đã họp bàn và thống nhất xây dựng Dự án chăn nuôi Ngựa thương phẩm, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc CT- MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, gửi UBND xã trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.

Sau khi Dự án được phê duyệt, UBND xã Kim Sơn đã tổ chức triển khai cho Tổ Cộng đồng thực hiện đúng các nội dung đã được phê duyệt; đôn đốc, hỗ trợ Tổ Cộng đồng tự thực hiện việc mua con giống, vật tư. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc đối với các hộ được hỗ trợ để thực hiện việc chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng con giống đúng mục đích, không bán, không chuyển nhượng, không sử dụng vào mục đích khác như đã ký cam kết.

Ông Nông Văn Dương - Tổ trưởng tổ cộng đồng thôn Đồng Láy cho biết, tổ có 18 thành viên, xuất phát từ thực tế trên nhằm phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm việc làm, an tâm lao động, sản xuất, làm tiền đề để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao mức sống để vươn lên thoát nghèo bền vững và gia tăng giá trị cộng đồng.

“Các thành viên đa số là hộ nghèo nhưng ý thức tự vươn lên rất cao, qua những buổi sinh hoạt của tổ, bên cạnh được tuyên truyền các kiến thức, các hộ còn được hướng dẫn kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi ngựa thương phẩm, từ đó các hộ tự biết tính toán, chăm sóc cho phù hợp với điều kiện”- ông Dương, tổ trưởng chia sẻ thêm.

1.png
Sau khi tham gia Tổ công đồng và được nhà nước hỗ trợ thiết thực từ dự án chăn nuôi ngựa thương phẩm các hộ trong nhóm cộng đồng với tôi cũng đã phát triển rất tốt, ai cũng phấn khởi.

Ông Ngô Văn Khày thôn Đồng Láy là 1 trong 18 hội viên “Dự án chăn nuôi ngựa thương phẩm” khấn khởi nói, trước gia đình rất khó khăn chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Sau khi tham gia Tổ công đồng và được nhà nước hỗ trợ thiết thực từ dự án, gia đình tôi có nguồn vốn để tạo sinh kế và từ đó có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Khi tổ chức thực hiện, cán bộ dự án đã xuống tận nhà động viên, hướng dẫn gia đình thực hiện, nhờ vậy mới có hiệu quả đáng mừng như hiện nay.

Bà La Thị Ý vui mừng “Từ khi được hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi có thêm được nguồn thu nhập ổn định. Các hộ trong nhóm cộng đồng với tôi cũng đã phát triển rất tốt, ai cũng phấn khởi. Đến nay gia đình tôi cũng đã thoát nghèo”

Đây là một tín hiệu đáng mừng, là tiền đề giúp người dân có sinh kế để thoát nghèo bền vững. Đồng thời, dự án đã gắn kết đồng bào đoàn kết, cùng tương trợ, giám sát và giảm rủi ro trong quá trình đổi mới mô hình sinh kế.

Trao đổi với phóng viên về Dự án Chăn nuôi Ngựa thương phẩm của Tổ cộng đồng thôn Đồng Láy xã Kim Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng Phòng Lao đông thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn cho rằng, các dự án đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, đã trao quyền cho tổ cộng đồng tự quyết định với sự trợ giúp của chính quyền nhằm tăng cường năng lực của cộng đồng, của Tổ tự quản và phát huy vai trò tích cực của các đối tác xã hội.

1d4bf5ca-9d64-4334-90b5-85fbfb82f044.png
Các hộ thường xuyên hỗ trợ hướng dẫn kỹ năng và chia sẻ kinh nghiệm về cách nuôi ngựa thương phẩm. Từ đó tự biết tính toán, chăm sóc cho phù hợp.

Bản thân người dân nông thôn, kể cả vùng khó khăn và vùng nghèo, vẫn có nội lực và tiềm năng nhưng chưa được phát huy đầy đủ vì thiếu điều kiện. Đó là sức lao động chưa được khai thác hiệu quả vì thiếu kỹ năng và kiến thức. Đó là nguồn kiến thức và văn hóa bản địa chưa được phát huy vì chưa được chú ý và đầu tư... Quan trọng hơn, đó là sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự gắn bó và phối hợp sáng tạo ngay trong cộng đồng người dân nhưng chưa được nhìn nhận và khai thác hợp lý để phát huy trong cơ chế thị trường.

Chính vì thế, cùng với việc tiếp thêm các nguồn tài nguyên mới cho cư dân nông thôn và người nghèo, điều quan trọng hơn hết là khơi dậy tinh thần chủ động và sáng tạo cộng đồng nơi họ sinh sống. Từ đó kích hoạt các nguồn nội lực hiện có và hình thành một tinh thần chủ động, để các đối tượng thụ hưởng có thể phát huy một cách hiệu quả nhất sự hỗ trợ từ bên ngoài. Để khởi động quá trình này, khâu cần làm trước nhất là thay đổi tư duy, từ đó dẫn đến thay đổi hành vi của cư dân nông thôn và người nghèo. Đây là cách tiếp cận hợp lý, nên được áp dụng trong Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn mới.

Bảo Hà