Xã hội

Tăng cường ngăn chặn lưu hành thuốc lá điện tử

Hoàng Phong 29/07/2024 - 10:49

(TN&MT) - Nhiều người cho rằng hút thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử sẽ an toàn hơn hút thuốc lá thông thường. Xung quanh nội dung này, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Văn Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.

z5668044733934_dbb22d815ae88e7ba65156e1df7f7ca7.jpg
PGS.TS Phạm Văn Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng

PV: Xin ông cho biết những tác hại của hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động?

PGS.TS Phạm Văn Mạnh: Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Theo thống kê, có khoảng 15.6 triệu người trưởng thành sử dụng thuốc lá, chiếm 22.5%. Bên cạnh những người hút thuốc lá trực tiếp, lượng người hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng ở mức cao đáng báo động.

Hút thuốc lá gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: Tổn thương phổi, dẫn đến suy hô hấp mạn tính; Gây ung thư; Làm tăng quá trình lão hóa, sớm xuất hiện các nếp nhăn; Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch và đột quỵ gấp nhiều lần; Gây xuất tinh sớm, giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương; Gây mắc các bệnh răng miệng; Có thể gây mù lòa.

Hút thuốc lá thụ động là các trường hợp không trực tiếp sử dụng thuốc lá nhưng lại hít phải khói thuốc từ điếu thuốc đang cháy hoặc do người hút phả ra trong không khí. Đáng lưu ý, có hàng nghìn hóa chất trong khói thuốc lá với sự tồn tại của nhiều chất gây ung thư và một số chất độc hại như asen, benzen, ammonia, nicotine, dioxine… có thể tác động tới hầu hết các cơ quan của cơ thể chúng ta. Theo đó, chỉ một phần khói thuốc lá sẽ được người trực tiếp sử dụng hút vào, trong khi phần lớn quay trở lại môi trường. Cụ thể, lượng khói thuốc được thải ra gấp 5 lần so với lượng được người hút hút vào.

Đi kèm với đó, phạm vi ảnh hưởng của khói thuốc lá sẽ trong khoảng từ 7m - 10m. Đồng thời, nó vẫn có khả năng tồn tại trong môi trường không khí kể cả khi chúng ta không còn ngửi hay nhìn thấy. Khi hút thuốc lá thụ động, khói thuốc chưa qua đầu lọc mà đi trực tiếp vào cơ thể con người. Vì vậy, hút thuốc lá thụ động gây nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động.

PV: Với những tác hại của thuốc lá mang lại, xin ông cho biết, thời gian qua, Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng đã có những chỉ đạo gì đối với giảng viên cũng như sinh viên trong trường về việc phòng chống tác hại của thuốc lá?

PGS.TS Phạm Văn Mạnh: Nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá do đồng chí Phó hiệu trưởng làm trưởng Ban. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ truyền thông phổ biến thực thi Luật, Phòng chống tác hại của thuốc lá, tác hại của thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới học viên, sinh viên. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong môi trường học đường. Ngoài ra tại cửa các Phòng, giảng đường, Hội trường các phòng sinh hoạt chung trong khuôn viên trường đều có dán các biển hiệu cấm hút thuốc.

PV: Tuy nhiên, nhiều người vẫn có quan điểm, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không độc hại như thuốc lá điếu thông thường, ông có nhận định gì về vấn đề này?

PGS.TS Phạm Văn Mạnh: Trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có nicotine và các hóa chất độc hại, ảnh hưởng tới não bộ, làm tăng nhịp tim và huyết áp, tăng đường máu. Nicotine đã được chứng minh làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Nghiện nicotine lâu dài gây xơ vữa động mạch, các bệnh về tim mạch, tiểu đường. Sử dụng nicotine quá liều lượng gây nguy hiểm cho sức khỏe, đồng thời, Glycol là một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông, có khả năng gây ung thư cũng có trong thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất tạo hương vị hoa quả, kẹo trong dung dịch thuốc lá điện tử với cách quảng cáo về sự sành điệu rất dễ dàng lôi kéo các bạn trẻ thử thuốc lá điện tử. Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời cũng làm tăng nguy cơ dẫn tới sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở người trẻ.

Phóng viên: Trước thực trạng này, ông có đưa ra những khuyến cáo gì?

PGS.TS Phạm Văn Mạnh: Theo tôi, chúng ta cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá truyền thống cũng như thuốc lá điện tử để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến trẻ em. Đồng thời, tăng cường và nỗ lực hơn trong phòng chống buôn, bán thuốc lá, kinh doanh, quảng cáo bất hợp pháp trên môi trường mạng. Hãy “Nói không với thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng” để bảo vệ sức khoẻ cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Phong