Pác Nặm (Bắc Kạn): Thay đổi tư duy sản xuất để vươn lên thoát nghèo
Đa dạng hóa sinh kế được xem là giải pháp hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Pác Nặm. Thông qua các dự án, mô hình này góp phần thay đổi tư duy sản xuất, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân.
Theo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Pác Nặm, để giúp bà con nông dân có cơ hội thoát nghèo huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đa dạng hóa các mô hình sinh kế phù hợp với đặc thù từng vùng, từng địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngay từ những tháng đầu năm 2023, phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương cấp xã tiếp tục triển khai các dự án trong khuôn khổ Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023 như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp… hướng tới các mục tiêu cụ thể giúp người dân phát triển sản xuất, mở mang kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… Qua đó, đã tạo việc làm cho nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống tại những địa bàn khó khăn tự vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Nhiều dự án đã triển khai hiệu quả những năm trước tiếp tục được huyện Pác Nặm nhân rộng tại nhiều địa phương điển hình như xã Nghiên Loan, đang triển khai dự án hỗ trợ người dân chăn nuôi lợn đen bản địa và dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Qua đánh giá cho thấy, xã Nghiên Loan có điều kiện tự nhiên phù hợp với chăn nuôi đại gia súc, việc triển khai hỗ trợ người dân chăn nuôi trâu, bò sinh sản rất phù hợp, được người dân hưởng ứng.
Thuộc diện hộ nghèo của thôn Khuổi Ún, xã Nghiêm Loan nhiều năm liền, chị Dương Thị Mai cứ loay hoay với bài toán vươn lên thoát nghèo. Không có vốn để đầu tư sản xuất, thu nhập chính của gia đình chị chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền đi làm thuê ít ỏi.
Đầu năm 2023, sau khi rà soát, bình bầu từ cơ sở, gia đình chị được hỗ trợ 1 con trâu giống sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Tận dụng lợi thế vườn rộng, gia đình chị trồng thêm mía, cỏ voi để làm thức ăn cho trâu. Sau một thời gian chăm sóc, đến nay, con giống phát triển khỏe mạnh và sinh được 1 con nghé. Chị Mai phấn khởi nói, với kết quả này đang tạo động lực cho gia đình bà tự tin, tiếp tục mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư để thực hiện các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập.
Cũng như gia đình chị Mai, hơn 20 gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo của xã Nghiêm Loan, đã được nhận hỗ trợ người dân giống trâu, bò sinh sản. Qua tìm hiểu thực tiễn được biết, sau khi nhận trâu, bò về nuôi, các hộ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và dành quỹ đất để trồng cỏ, làm nguồn thức ăn cho vật nuôi. Hiện nay, trâu, bò của các hộ đang phát triển tốt. Mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Nghiêm Loan được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước giúp các hộ dân thoát nghèo.
Bà Lý Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan cho biết, những năm gần đây xã chủ trương phát triển chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò). Hiện tổng đàn gia súc của xã hơn 6.800 con trong đó khoảng 2000 con là nuôi sinh sản còn đâu là xuất bán, Ngiêm Loan là một trong những xã có đàn gia súc lớn nhất của huyện. Việc được hỗ trợ để thực hiện các mô hình nuôi trâu, bò sẽ giúp người dân có thêm nguồn lực ban đầu để phát triển đàn vật nuôi, tạo sinh kế lâu dài.
“Trâu, bò là tài sản lớn của người dân miền núi, khi một hộ dân được hỗ trợ 1 cặp để nuôi sinh sản, vài năm sau có thể phát triển thành đàn. Bán một con trâu người dân có thể thu về vài chục triệu đồng, đây là nguồn thu nhập lớn với đồng bào miền núi. Ngoài nuôi trâu bò, xã cũng định hướng, hỗ trợ người dân trồng cây hồng không hạt, đây là cây trồng rất phù hợp với đất đai khí hậu của địa phương, giá bán quả hồng vài năm gần đây ở mức cao”, bà Tuyết cho biết thêm.
Dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên giảm nghèo ở huyện Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn do số hộ nghèo chủ yếu tập trung ở thôn bản vùng cao, đất sản xuất ít, kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Ngoài ra, chất lượng cuộc sống nhóm hộ thoát nghèo ở mức thấp, chưa bền vững nên khả năng tái nghèo cao, rất cần được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, định hướng.