Xã hội

Mô hình nuôi dê huyện Ba Bể tạo sinh kế cho người dân

Bảo Hà 26/07/2024 - 17:29

Với nhiều diện tích tự nhiên đồi núi đá, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng để phát triển chăn nuôi. Trong đó, nuôi dê đang là hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân, đã mở ra hướng đi mới cho các hộ gia đình, góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở Ba Bể và ổn định cuộc sống cho người dân.

d.png
Xã Hoàng Trĩ đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Những năm qua, xã Hoàng Trĩ đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng đất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc triển khai mô hình nuôi dê sinh sản sẽ giúp người dân chủ động trong chăn nuôi, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, từng bước phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Theo chân lãnh đạo xã Hoàng Trĩ, chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu Khải Phú thôn Cọoc Mu là một trong những hộ nghèo của thôn được Chương trình Giảm nghèo bền vững của huyện vui mừng cho biết: Gia đình muốn phát triển mô hình nuôi dê đã lâu nhưng không có điều kiện mua dê giống về nuôi. Năm 2023 gia đình rất vui khi được chính quyền địa phương xét hỗ trợ 5 con dê giống. Đến nay, đàn dê nhà Phú đã sinh sản 25 con và hiện giờ có con đang mang thai. Gia đình tôi sẽ chăm sóc thật tốt để đàn dê khỏe mạnh, sinh sản tốt nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Được biết, trước khi đi nhận dê giống, gia đình anh Phú ngoài làm chuồng, còn cắt cỏ để sẵn, khi dê về đến nhà là cho ăn liền. Thành viên gia đình anh cũng thường xuyên tìm hiểu về cách cho ăn, phòng và điều trị bệnh cho dê.

d2.png
Đàn dê nhà Phú đã sinh sản 25 con và hiện giờ có con đang mang thai.

Cũng được nhận 5 con dê giống về nhà để thực hiện mô hình thoát nghèo, gia đình anh Bàn Văn Tuyên khấn khởi chia sẻ: “Trước khi nhận con giống, gia đình đầu tư chuồng nuôi bảo đảm thông thoáng, không bị nắng nóng, mưa tạt, gió lùa... Qua tìm hiểu, tôi biết dê là loài mắn đẻ, dễ nuôi, ít tốn công, thu hồi vốn nhanh. Để dê phát triển khỏe mạnh, ngoài quan tâm, chăm sóc, gia đình còn chú trọng nguồn thức ăn phong phú”.

Ông Hoàng Văn Tưng - Chủ tịch xã Hoàng Trĩ cho biết, toàn xã có 125 hộ nghèo, 97 hộ cận nghèo. Trong đó, năm 2023 có 4 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo được hỗ trợ triển khai đề án thực hiện mô hình giảm nghèo, mỗi hộ được nhận 5 con dê sinh sản với tổng 98.636.550 đồng (Nhà nước hỗ trợ 94.007.550 đồng, dân đối ứng 4.629.000 đồng). Hiện hầu hết số dê trao cho các hộ dân đều khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt và nhiều con đang mang thai, giúp các hộ dân tăng số lượng đàn thời gian tới.

Ông Tưng chia sẻ thêm, dê được đánh giá là vật nuôi có sức đề kháng khá tốt, nhưng nếu không chú ý làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, nắm chắc và thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh thì dê vẫn dễ dàng bị mắc một số bệnh như viêm phổi, đầy bụng... Chính vì vậy, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng và điều trị bệnh. Qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, từng bước tăng năng suất và chất lượng, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

d3.png
Xã thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng và điều trị bệnh.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Ngọc Thịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách phù hợp giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Trong đó, mô hình nuôi dê sinh sản mang ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tại xã Hoàng Trĩ bước đầu phát triển là một trong những giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với địa phương tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển đổi tập quán chăn nuôi từ chăn thả tự do sang bán chăn thả để giúp người dân kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với xã rà soát nhu cầu của các hộ nghèo, cận nghèo để có sự hỗ trợ phù hợp giúp người dân có cơ hội để thoát nghèo.

Thay vì tặng, cho không, các tổ chức thực hiện chương trình “Tiến về phía trước” thống nhất các phương án hỗ trợ nhằm tạo ra sự chủ động, không trông chờ, ỷ lại cho các đối tượng. Thời gian tới, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục với các địa phương được hưởng lợi từ chương trình tiến hành khảo sát, nghiên cứu và hỗ trợ thêm nhiều mô hình sinh kế khác, giúp cho người dân có thêm động lực, điều kiện để vươn lên.

“Bên cạnh đó, huyện sẽ thành lập 1 ban chỉ đạo chung lồng ghép cho 3 chương trình MTQG để hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, Ba Bể có tiềm năng về du lịch, các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch, từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đều hướng đến việc phát huy và tăng giá trị sản phẩm trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới” - ông Thịnh nhấn mạnh.


Bảo Hà