Xã hội

Yên Thủy (Hòa Bình): Ổn định sinh kế cho lao động nông thôn

Bảo Hà 26/07/2024 - 17:28

Thông qua các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Yên Thủy đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp lao động nông thôn học đa dạng các nghề. Từ đó, sản phẩm từ mô hình được thị trường chấp nhận, đem về nguồn thu nhập tăng thêm cho gia đình.

Trên cơ sở khảo sát nhu cầu nghề thực tế của người dân địa phương, huyện Yên Thủy tập trung đào tạo những ngành gắn với nhu cầu tại địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, phân bổ chỉ tiêu các ngành học, lớp học phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề của lao động để tổ chức các lớp học.

hb.png
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu nghề thực tế của người dân địa phương, huyện Yên Thủy tập trung đào tạo những ngành gắn với nhu cầu tại địa phương.

Để công tác liên kết đào tạo và đào tạo nâng cao chuyển biến mạnh mẽ, trung tâm GDNN-GDTX huyện đã mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại các xã: Lạc Thịnh, Đa Phúc, Hữu Lợi, Đoàn Kết với tổng số 138 học viên. Hầu hết lao động sau kết thúc khóa đào tạo được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp may mặc lớn như Công ty CP S Life (xã Yên Trị), Công ty CP may Yên Thủy (xã Ngọc Lương). Lao động làm việc tại các công ty may trên được trả lương theo sản phẩm, thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã liên kết với doanh nghiệp may mặc trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, đã lao động nông thôn mở rộng cơ hội việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, những chính sách về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Yên Thủy đã được quán triệt, triển khai kịp thời và hiệu quả. Huyện đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nghề nghiệp, tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm để tư vấn, đối thoại trực tiếp với người lao động.

Huyện đã phát động nhiều phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững thu hút hàng nghìn người tham gia. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Công tác đào tạo nghề, tư vấn hướng nghiệp đối với học sinh trung học phổ thông được các cấp, các ngành chú trọng. Các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, phân luồng, hướng nghiệp học sinh. Thông qua công tác thông tin, tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc chọn trường, chọn nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

hb2.png
Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã mở 4 lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại các xã: Lạc Thịnh, Đa Phúc, Hữu Lợi, Đoàn Kết với tổng số 138 học viên.

Bên cạnh việc dạy nghề, huyện còn liên kết đào tạo đa dạng các ngành nghề, như: Trồng cây có múi, chăn nuôi gà thả vườn, trồng bí xanh và may công nghiệp, các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tổ chức rộng khắp các thôn, xóm. Đặc biệt, mỗi năm, huyện tổ chức khóa đào tạo nghề cho khoảng 300- 400 lao động người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, số lao động học nghề phi nông nghiệp tăng dần qua các năm.

Ông Đinh Quang Nưởng, xóm Trác, xã Lạc Thịnh cho biết: “Được tham gia lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi, tôi đã có thêm kinh nghiệm chăm sóc, phát triển mô hình nuôi gà đồi, kết hợp nuôi trồng cây, nhất là phòng trừ bệnh cho cây trồng, chăn nuôi. Nguồn thu khá giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”.

Ông Vũ Ngọc Nam, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Yên Thủy cho biết, hằng năm, đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin thị trường lao động nhằm tạo cơ sở dữ liệu cung – cầu, dự báo thị trường. Đồng thời, rà soát, thống kê số người trong độ tuổi lao động không có việc làm, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, trong đó lưu tâm đến hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp, gắn với nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong, ngoài địa bàn cũng như thế mạnh kinh tế địa phương.

Đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Yên Thủy đã chuyển biến tích cực. Huyện đã hình thành một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đem lại hiệu quả thiết thực ở tất cả các lĩnh vực. Đời sống Nhân dân ngày càng nâng cao. Hết năm 2023, thu nhập bình quân bình quân đầu người của huyện đạt 52 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 4,26%.

Từ những kết quả đạt được cho thấy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã giúp lao động được lựa chọn ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của bản thân và gia đình, phát huy được những kiến thức, sở trường. Trong thời gian tới huyện xác định tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường du nhập những nghề mới có thu nhập cao vào địa bàn.

Bảo Hà