Yên Bái: Tín dụng chính sách góp phần xoá đói, giảm nghèo
(TN&MT) - Trong thời gian qua, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự mang lại hiệu quả, có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Xung quanh nội dung này PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái.
PV: Thưa ông! Ngay sau có Chỉ thị số 40 – CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khoá XI tỉnh Yên Bái đã triển khai nội dung này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40 và kết luận số 06, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo ban hành kế hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và đưa vào Nghị quyết các phiên họp thường kỳ. Đối với cấp huyện và cấp xã đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy và UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tổ chức triển khai, phổ biến nội dung của Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới đông đảo đảng viên và nhân dân.
PV: Thưa ông! Xin ông cho biết kết quả đã đạt được sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Qua 10 năm thực hiện Chị thị số 40 và kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, điều dễ nhận thấy là vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chỉnh quyền, mặt trận tố quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội ngày càng được tăng cường. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo đạt hiệu quả cao.
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng chính sách xã hội đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.
Giai đoạn 2014-2024 Ngân hàng chính sách xã hội đã đã thực hiện cho vay trên 231.000 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách với doanh số trên 9.308 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân bằng nguồn vốn ngân sách địa phương cho trên 5.000 lượt khách hàng với số tiền trên 302 tỷ đồng. Đến 30/6/2024 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã triển khai 18 chương trình tín dụng chính sách với trên 87.000 khách hàng vay vốn với tổng dư nợ trên 5.284 tỷ đồng, tăng 3.564 tỷ đồng so với năm 2014. Nguồn vốn đó đã góp phần quan trọng để tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nghèo 3-4% mỗi năm.
PV: Vậy Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Hải: Để thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030 theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Tỉnh cần tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, Yên Bái cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tố chức thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Hằng năm cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương chiếm khoảng 10% - 15% tăng trưởng dư nợ tín dụng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp với các ban, sở ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách. Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động của điểm giao dịch xã, phường, thị trấn; đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận và sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!