Thế giới

Nắng nóng gia tăng ở châu Âu và Trung Á: UNICEF kêu gọi hành động khẩn cấp, tăng cường hỗ trợ

Mai Đan 26/07/2024 - 09:08

(TN&MT) - Theo phân tích về dữ liệu mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa công bố ngày 24/7, nhiệt độ mùa hè tăng vọt ở châu Âu và Trung Á đã cướp đi sinh mạng của gần 400 trẻ em mỗi năm. Trong bối cảnh đó, UNICEF đã khuyến nghị nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng nhiệt độ tăng cao và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.

Nắng nóng ở châu Âu và Trung Á diễn ra thường xuyên hơn

Trong những năm gần đây, các đợt nắng nóng trên khắp khu vực châu Âu và Trung Á diễn ra thường xuyên hơn. Ước tính mới nhất cho thấy khoảng 50% số trẻ em sống ở 50 quốc gia trên khắp Châu Âu và Trung Á thường xuyên phải hứng chịu các đợt nắng nóng. Con số này cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu là cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ phải sống trong tình cảnh này.

Dựa trên dữ liệu từ 23 quốc gia trên toàn khu vực rộng lớn, UNICEF cho biết, năm 2021, 377 trẻ em đã thiệt mạng. Các bệnh liên quan đến nhiệt đã cướp đi sinh mạng của 50% số trẻ dễ bị tổn thương trong năm đầu đời.

un0729699.jpg
Khoảng 50% số trẻ em sống ở 50 quốc gia trên khắp Châu Âu và Trung Á thường xuyên phải hứng chịu các đợt nắng nóng

Năm ngoái, châu Âu đã trải qua năm ấm áp thứ hai được ghi nhận trong khu vực. Đối với một số quốc gia ở Tây Nam Châu Âu, đây là thời điểm ấm nhất được ghi nhận. Còn ở Trung Á, tần suất các đợt nắng nóng đã tăng 30% trong 60 năm.

UNICEF cho biết, nắng nóng cực độ đã khiến trẻ em và thanh thiếu niên tại châu Âu và Trung Á mất đi cuộc sống khỏe mạnh trong hơn 32.000 năm. Năm 2024 chứng kiến ​​nhiệt độ cao kỷ lục và tháng 6 vừa qua được ghi nhận là tháng nóng kỷ lục trên Trái đất. Đó là tháng lập kỷ lục thứ 13 liên tiếp.

Trên khắp châu Âu và Trung Á, tần suất các đợt nắng nóng sẽ còn tăng hơn nữa trong những năm tới. UNICEF ước tính, ngay cả trong các kịch bản tăng nhiệt độ ở mức khiêm tốn nhất là 1,7 độ C, tất cả trẻ em ở Châu Âu và Trung Á sẽ phải đối mặt với các đợt nắng nóng cao điểm vào năm 2050, và khả năng 81% sẽ phải đối mặt với thời gian nắng nóng cao và 28% có thể phải tiếp xúc với mức nhiệt cao đến mức nghiêm trọng.

Theo kịch bản nhiệt độ tăng cao hơn 2,4 độ C, 97% trẻ em tại 2 khu vực trên ​​sẽ phải tiếp xúc với thời gian nắng nóng kéo dài và 56% trẻ em sẽ phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng của đợt nắng nóng cao điểm.

Bà Regina De Dominicis, Giám đốc khu vực Châu Âu và Trung Á của UNICEF cảnh báo rằng nhiệt độ ngày càng cao có thể khiến sức khỏe của trẻ nghiêm trọng hơn, ngay cả trong khoảng thời gian ngắn; nếu không được chú ý, những biến chứng này có thể đe dọa đến tính mạng.

Trung Á là khu vực khô cằn và bán khô hạn, tình trạng khan hiếm nước, suy thoái đất và thiếu năng lực quản lý tình trạng khẩn cấp đã làm tăng tính dễ bị tổn thương của trẻ em trước một số mối nguy hiểm tự nhiên, bao gồm cả sóng nhiệt. Trong thế kỷ qua, sự nóng lên bề mặt ở các vùng đất khô toàn cầu cao hơn 20-40% so với các vùng đất ẩm hơn. Do đó, những vùng đất khô hạn như ở Trung Á có nguy cơ cao hơn do nhiệt độ khắc nghiệt.

Sóng nhiệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em

Theo UNICEF, sóng nhiệt gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe và tinh thần của trẻ em. Trẻ em tiếp xúc với sóng nhiệt dễ gặp phải vô số vấn đề về sức khỏe, từ say nắng đến tiêu chảy và nhẹ cân. Tính dễ bị tổn thương đặc biệt của trẻ em trước các đợt nắng nóng cũng khiến chúng có nguy cơ cao hơn mắc bệnh hen suyễn, dị ứng, bệnh tim mạch và các vấn đề về hô hấp.

Phụ nữ mang thai tiếp xúc với sóng nhiệt có thể gặp nguy cơ biến chứng chuyển dạ cao hơn. Sóng nhiệt có thể khiến trẻ em gặp nguy hiểm khi tiếp cận nguồn nước an toàn khi hạn hán kéo dài. Trong các đợt nắng nóng, khả năng học tập của trẻ trở nên khó khăn hơn khi các em gặp khó khăn trong việc tập trung.

Người lớn cảm nhận sức nóng khác với trẻ em, khiến cha mẹ và những người chăm sóc khác khó xác định được các trường hợp nguy hiểm hoặc triệu chứng bệnh liên quan đến nhiệt ở trẻ em.

Các bệnh liên quan đến nhiệt xảy ra khi tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao, có thể trầm trọng hơn khi gắng sức, lấn át khả năng tự làm mát của cơ thể. Các trường hợp từ nhẹ, như phát ban do nhiệt ở trẻ sơ sinh, đến các hậu quả nghiêm trọng hơn, đe dọa tính mạng như say nắng, được chẩn đoán khi nhiệt độ cơ thể tăng trên 40 độ C, có nguy cơ suy nội tạng cao.

image1170x530cropped.jpg
Theo UNICEF, nắng nóng gia tăng khắp châu Âu và Trung Á cướp đi sinh mạng của gần 400 trẻ em mỗi năm

Phòng ngừa là chìa khóa. Tạo những nơi mát mẻ hơn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, uống nhiều nước hơn, tránh ra ngoài trời vào những giờ trưa và chiều nóng nực và vận động chậm, nhẹ nhàng khi tập thể dục là những cách hiệu quả nhất để tránh các bệnh liên quan đến nhiệt.

Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương trước các đợt nắng nóng vì cơ thể mất nhiều thời gian hơn để tăng tiết mồ hôi. Trẻ mất nhiều thời gian để thích nghi trong môi trường nóng hơn người lớn. Trẻ nhỏ cũng dễ bị mất nước hơn vì phần lớn trọng lượng cơ thể của trẻ là nước.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Các bác sĩ nhi khoa khuyên người chăm sóc nên theo dõi lượng nước trẻ uống và khuyến khích trẻ uống trước khi trẻ yêu cầu. Bởi khi trẻ khát chứng tỏ cơ thể đã bị mất nước.

Theo UNICEF, việc tiếp xúc với nhiệt có thể gây ra những ảnh hưởng cấp tính đối với trẻ ngay cả trước khi trẻ được sinh ra, có thể dẫn đến sinh non, nhẹ cân, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh. Cơ quan này cũng cảnh báo, căng thẳng nhiệt có thể trực tiếp dẫn đến tử vong, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và là “cửa ngõ” dẫn đến các bệnh ở trẻ em.

Những khuyến nghị từ UNICEF

Để giải quyết tình trạng nhiệt độ tăng cao và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, các chính sách nên tập trung vào hệ thống cảnh báo sớm, nhận thức cộng đồng, hỗ trợ tài chính cho những người bị mất thu nhập, liên kết với các dịch vụ quan trọng, tận dụng nhân viên xã hội, cơ sở hạ tầng có khả năng chống chọi với khí hậu, giáo dục và nghiên cứu.

UNICEF kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp, và các tổ chức xã hội dân sự cùng các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ để giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ em với sóng nhiệt, đồng thời đảm bảo rằng nhu cầu và quyền của trẻ em là trọng tâm của các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

unicefun0542849margaryan_0-1-.jpg
UNICEF kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp để giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ em với sóng nhiệt

Trước mối nguy hiểm của nắng nóng đối với trẻ em, UNICEF đã làm việc với các chính phủ và đối tác tại 2 khu vực trên để phát triển và thực hiện các kế hoạch hành động về nhiệt và hệ thống cảnh báo nhiệt. UNICEF tập trung vào việc tăng cường các hệ thống hiện có để bảo vệ trẻ em tốt hơn - bao gồm các dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe - nơi có thể kết hợp các cơ chế thích ứng và giảm thiểu sóng nhiệt.

Cụ thể, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ ở Châu Âu và Trung Á đầu tư vào “các kế hoạch hành động về bảo vệ sức khỏe do nắng nóng và chăm sóc sức khỏe ban đầu để hỗ trợ đầy đủ hơn cho các bệnh liên quan đến nhiệt ở trẻ em”. Đồng thời, các chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống cảnh báo nhiệt, đảm bảo các cơ sở giáo dục giảm nhiệt độ ở những khu vực trẻ em vui chơi và cung cấp nước uống an toàn.

Cơ quan này cũng đề xuất các biện pháp khác, bao gồm trang bị cho các tòa nhà để giảm thiểu phơi nhiễm và xây dựng các chiến lược nhằm giảm tác động của sóng nhiệt đối với con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

UNICEF cho biết cơ quan này đang làm việc với các chính phủ và cộng đồng trên khắp Châu Âu và Trung Á để “xây dựng khả năng phục hồi trước các đợt nắng nóng” bằng cách cung cấp cho các giáo viên, nhân viên y tế gia đình và cộng đồng kiến ​​thức và kỹ năng để chống lại căng thẳng nhiệt.

Khoa học đã chứng minh, nhiệt độ tăng là kết quả của biến đổi khí hậu. Do vậy, UNICEF kêu gọi các chính phủ trên khắp Châu Âu và Trung Á giảm lượng khí thải CO2 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C và tăng gấp đôi kinh phí thích ứng vào năm 2025.

Khuyến nghị cho các chính phủ trên khắp Châu Âu và Trung Á

1. Kết hợp việc giảm thiểu và thích ứng với đợt nắng nóng vào chính sách

2. Đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu

3. Đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm khí hậu quốc gia

4. Điều chỉnh dịch vụ để ứng phó với tác động của sóng nhiệt

5. Đảm bảo đủ nguồn tài chính

6. Trang bị cho trẻ em sự giáo dục và rèn luyện

Mai Đan